Chắc mới vài năm trước, có một làn sóng hầm hố đi đâu cũng nghe nói về tư duy phản biện, xong rồi nó lắng xuống. Thỉnh thoảng, lại có người nhắc lại chuyện tư duy phản biện, trong khoa học và y học nói riêng. Thỉnh thoảng, người ta hiểu nhầm rằng cứ lật ngược vấn đề lên, cãi ngược lại, thì gọi là phản biện.
Cái quan trọng trước hết là tư duy chứ không phải phản biện/phản luận, bởi nó là một quá trình bền bĩ mài dũa suy nghĩ. Người ta đặt ra nhiều tiêu chí để đánh giá một lập luận, xem nó có thực sự được coi là một lập luận hay không, về mục đích và mệnh đề, thông tin, khái niệm, giả định, suy luận, góc nhìn, hàm ý…
Trong khi chuyện luyện tập tư duy như vậy thường lâu dài và khó nhận thấy, thì chuyện ngụy biện lại dễ nhận ra hơn, dễ thay đổi hơn. Hầu hết thói ngụy biện thường khởi phát từ lối tư duy lấy cái tôi làm trung tâm trong lập luận. Bạn có thể google những lỗi ngụy biện thường gặp như công kích cá nhân, lạm dụng vị thế, nghĩa vụ chứng minh, ngụy biện cá trích, trượt dóc… hầu hết đều thấy bóng dáng của một lối tư duy cùn mòn, lười suy nghĩ, lãng tránh lập luận, mà dùng những thứ bên ngoài lập luận tấn công những yếu tố liên quan đến cá nhân người lập luận.
Trong suốt thời gian tạm gọi là học/hoạt động trong môi trường tương đối hàn lâm, mình chỉ gặp đúng 1 người cho mình cảm giác đủ tâm và tầm để phát triển một môi trường có văn hóa tranh luận. Dĩ nhiên, từ phía người học lẫn người dạy đều lạ lẫm, người duy nhất mà mình nhắc đến kia cũng chẳng có học hàm học vị khủng, nhưng như một tất yếu, là người rất được tôn trọng.
Một trong những cách rèn luyện tư duy phản biện tốt nhất, theo thiển ý của mình, là viết. Tập viết, văn thơ, chính luận, nghị luận, tập kể,... đều cho một cảm giác chung chung là phải sắp xếp, phải rành mạch. Trải nghiệm viết nghiêm túc đầu tiên của mình là khi viết một đoạn về nghiên cứu trong chế tạo thuốc điều trị HIV. Sau đó mình mới nhận ra tầm quan trọng của tư duy khi viết. Và tất nhiên, bất kỳ điều gì cũng yêu cầu sự rèn luyện đều đặn.
Tượng Thinker - Rodin