Mình hướng nội, còn bị tật tham đọc nhiều thứ hổ lốn mà vừa thích thưởng thức cuộc sống dù hồi nhỏ cũng chật vật hơn nhiều người. Thành ra, mình biết rõ mình muốn gì và nên làm gì từ rất sớm, ít khi nghe ai khuyên và rất hiếm khi đi khuyên ai, nhưng vẫn thích làm một người lắng nghe. Vài năm lại đây, mình gặp rất nhiều người kể về chuyện đời của họ, mà hầu như ai cũng có ít nhiều xu hướng quay về lại nhìn vào bên trong, để hiểu chính mình.
Mình hay nói càng hiện đại thì con người càng cô đơn, càng nhiều lựa chọn thì càng khó lựa chọn. Từ khi nào mà con người lại đi xa bản thân mình đến vậy, để rồi có khi tóc hai màu mới lơ ngơ lần mò trên con đường đi về lại với chính mình?
Nói như tâm lý học thì ai cũng lớn lên với một phức cảm tự ti. Con người khôn sớm quá, họ quan sát và biết làm nhiều thứ trước khi cơ thể họ cho phép làm được. Biết cách chạy trước khi ngồi vững, biết trái cây trên bàn ăn được trước khi có thể tự đứng để với tay...lực bất tòng tâm sinh ra cảm giác tự ti về cơ thể thiếu hoàn hảo. Phải chăng cảm giác đó cứ lớn dần theo tuổi, để họ thấy mình luôn thiếu thốn, luôn bất toàn nhưng không thể chấp nhận. Nghĩa là, muốn hiểu mình cũng là muốn chấp nhận sự bất toàn của mình, ai cũng biết nhân vô thập toàn nhưng không biết thập toàn là 10 cái gì, rồi vẫn mơ hồ lao vào được mất hơn thua.
Có người biết suy tư, có người không. Có một chút suy tư thì tự nhiên lại tìm thấy vài ý nghĩa cho cuộc đời, để sống cho đáng sống, để biết đừng "sống thừa ra", sống không lý tưởng, sống như một con vật đẹp... Muốn có suy tư, thì nói như Sartre, hành động thì không thể suy tư, mà suy tư thì không thể hành động: khi tôi đếm tiền, tôi là "sự đếm tiền"; và khi tôi phản tỉnh, nghĩa là khi tôi nghĩ về việc mình đếm tiền, thì tôi không thể đếm tiền được nữa. Vậy nên, muốn tìm về với mình thì không phải bám víu vào ai, không nhờ ai chỉ lối cho hay nhờ ai khuyên căn giảng giải, chỉ có dừng lại một chút rồi nghĩ, rồi suy tư mà.
Triết học cổ truyền cũng như tôn giáo, phần lớn khuyến khích con người mải mê tìm hiểu những huyền vi của tạo hóa, với cái tên triết học của thiên nhiên. Từ Platon, Aristote đến tận Kant và đỉnh điểm là Hegel, thì gần như chẳng ai coi triết học là môn cho người bình thường. Cho đến khi triết học xuống phố, một trường phái mới ra đời để tìm hiểu về ý nghĩa của cuộc nhân sinh, gọi là triết học hiện sinh, nói mộc mạc là triết học về con người. Triết học cổ truyền là hình thái khi ý thức sơ khai, ý thức phóng thể, ý thức về các sự vật trong vũ trụ. Khi nào con người ý thức được rằng mình đang sống trong vũ trụ, mình đã cầm sự vật này hay có có thái độ kia... thì khi đó con người bước sang giai đoạn phản tỉnh. Triết học hiện sinh được ví là tiếng sấm bổ ngang trời, cũng như phim tàu thường ví sự thức tỉnh bằng một tiếng sấm vậy. Nhưng thực ra, nó chỉ giúp mình tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống và của cái chết. Bởi không gì tha thiết với mình bằng chính mình.
Ai cũng có thời ý thức phóng thể dù dài ngắn, ai cũng có một con đường để về với mình, để tắm lại ao ta. Trong cô đơn mình mới vỡ lẽ. Trong cội nguồn mình mới bình an. Còn mình, chẳng cứ lâu lâu lại đạp xe đuổi theo bóng mặt trời, để ngồi nghĩ về những thứ vớ vẩn rồi cười.
"Tôi đi nhặt lá bồ đề
Treo lên để thấy lối về của Tâm"