Chuyển đến nội dung chính

Miền thùy dương

"Cuộc đời vui quá không buồn được"- Tuân Nguyễn

Chiều dồn về một góc trời, cái lúc tiêu điều xơ xác nhất ngày thì mình cũng đâm hay nghĩ ngợi. Những con phố chật chội, người tấp nập từ tứ phương đang lặng lẽ lùa thân xác về tổ ấm của họ sau một ngày chật vật làm việc, mưu sinh. Mình có hẹn với anh, nhưng kiểu đường xá này thì chắc chắn anh đến muộn, anh báo trước rồi. Lâu quá rồi kể từ lần cuối gặp anh. Mình ngồi vắt chân im lặng, bên tách cà phê tí tách, đếm những tích tắc đồng hồ trôi. Không gian thì sững lại, mình trầm ngâm nhớ lại những ngày cũ, lúc mình còn là một thằng nhóc hàng xóm của anh.

Anh nghèo, phải xếp loại nhất nhì cái xóm nghèo của mình. Cái xóm đó nghèo nhất nhì cái làng chài hẻo lánh nép bên bờ biển miền Trung. Dân chài thì sống chết cũng với biển, nhà anh cũng vậy. Anh là con cả, với bốn đứa em nheo nhóc trong mái tranh lụp xụp che tạm mưa nắng, cái cảnh đó cũng không hiếm gì trên mảnh đất sỏi đá này. Mình thì may hơn chút đỉnh, nhà chỉ có hai chị em, mình là thằng em nên được cưng thêm chút đỉnh nữa. Hai cái chút đỉnh đó giúp mình đi học ngon lành. Nhà anh thì khó hơn, tằn tiện lắm cũng chỉ có anh được đi học tiếp, vì anh được tiếng học giỏi. 

Xóm nhà mình nho nhỏ, nằm cheo leo giữa những rặng thùy dương và đá. Sáng mở toang mắt là thấy ngay trời biển mênh mông, thấy gió lùa mây trôi lững thững. Thơ lắm. Mình cứ đinh ninh nhờ bấy nhiêu đó mà hàng hàng thi sĩ, nhạc sĩ ở miền Trung đều viết nên những tác phẩm nặng tình quê. Chẳng biết đúng không. Mình nghĩ anh cũng sẽ sống nồng nàn như vậy, nếu chẳng có những biến cố trên trời giáng xuống. 

Anh hơn mình gần bốn tuổi, có nhiêu đó mà mình thấy xa vời gì đâu, vì mình đuổi hoài không kịp anh. Ngày còn nhỏ, anh thường xuyên dắt mình đi mò ốc và ngắm san hô. Đám san hô ở quê mình còm nhom, thỉnh thoảng chúng lớn mới đẹp, còn thì nhìn thảm. Nhưng hễ anh rủ là mình trốn ngủ đi liền. Hơn có bốn tuổi mà cái gì anh cũng biết, anh kể chuyện khoa học như cổ tích. Anh bảo san hô là một đại gia đình đông anh em, đông hơn nhiều những gia đình đông con trong xóm, nhưng vẫn sống hòa thuận vui vẻ. Chúng có hàng ngàn hàng triệu cánh tay, bởi vậy chúng làm biếng đến độ chỉ nằm một chỗ dang tay vớt thức ăn rồi nhét thẳng vào dạ dày. Đến mùa, chúng lại sanh đẻ như nêm, mà vẫn cứ nằm ì một chỗ, bồng bế con đến trọn đời, con chúng lại bồng cháu chúng, liên miên đời này sang đời khác, mới hay… 

Mỗi lần diễn thuyết, anh hăng say đến quên đường về, mình nghe mê đến quên đường về. Bởi anh mơ ước trở thành nhà hải dương học, mình thì chẳng biết cái nhà hải dương hải âm gì nhưng vẫn cứ nhớ như in sự hăng say của anh. Bởi vậy, sau này có học những bài học trong sách sinh vật, hay những cuốn sách khoa học thường thức về biển, mình vẫn không thấy si mê bằng những lúc nghe anh kể chuyện. Những buổi ngụp lặn giữa trưa nắng quên đường về ấy, khiến da hai đứa mình đậm màu dân chài, đen đến tận mấy chục tuổi chưa hết đen.

Chẳng có ai nhiệt thành với cuộc sống bằng anh, thiệt luôn! Anh luôn cười, với mọi người già và trẻ con trong xóm, anh cười khi đi biển với ba, khi dắt những đứa em đi thả diều trên bãi cát trắng xóa buổi chiều. Thỉnh thoảng anh cười khi lượm vỏ ốc nhiều màu, anh nói mỗi màu sắc là một chiến tích của con ốc giữa cuộc phiêu du trên đại dương bất tận. Thường thì mình chẳng hiểu những gì anh nói lắm, vì mình ngu, nhưng mình lại thích nghe, cả lũ trong xóm thích nghe, thậm chí người lớn cũng thích nghe dù họ bảo rằng anh hay mơ mộng quá. Nói vậy, nhưng chẳng ai ghét anh được mỗi khi anh cười với hàm răng trắng phau phau. Mơ mộng cũng tốt, mình cũng mơ mộng.

Thời gian trôi dần qua, anh lớn lên mang một vẻ đẹp của người dân chài trưởng thành. Anh chín chắn và đã vững vàng giúp đỡ ba anh trong những chuyến đi biển, thường anh đem lại may mắn với những mẻ cá lớn. Anh vẫn học giỏi và ba mẹ anh hi vọng anh sẽ vào đại học, dù cái xóm ấy chẳng mấy người học hết được phổ thông, nhưng anh lại giỏi và được cả làng yêu mến gửi gắm hi vọng.
Năm mình lên lớp tám, anh đã bước vào năm phổ thông cuối cùng và chẳng mấy chốc anh sẽ thi đại học hẳn hoi, đám con nít thì vẫn lẽo đẽo theo đuôi anh trong mọi cuộc rong chơi khi anh rảnh rỗi. Anh vẫn vui vẻ, vì anh thừa sức để học giỏi mà vẫn đi chơi với bọn con nít trong xóm. Rồi anh đi thi, một mình, dù ba anh ngỏ ý muốn đưa anh đi nhưng những tháng hè là mùa cá. Anh quyết đi một mình để ba anh ở lại dong thuyền trước khi mùa bão tới. Anh đi rồi về chóng vánh, trường gì mình không biết, nhưng anh vẫn điềm nhiên khi đi lẫn khi về, cả làng hồi hộp hỏi han, còn anh thì cứ điềm nhiên. 

Năm ấy mùa bão miền Trung kéo dài hơn mọi năm, không thuyền nào dám ra biển, tức là đói. Bão liên miên, đói mòn mắt. Biển lặng được vài ngày, ba anh lặng lẽ một mình dong thuyền đánh cá, không cho ai biết bởi nó có phần trái phép, cả nhà anh không biết. Khi cả xóm biết thì chẳng ai dám đi tìm giữa mùa xám xịt, chỉ chờ. Ngày qua ngày, hi vọng tắt dần. Mình có chạy sang nhà anh một lần. Anh ngồi trước thềm cửa, đôi mắt xam xám nhìn xa xăm vào trời biển mênh mông bất tận. Mình buồn bỏ về. Mình sợ nhìn con người yêu đời ấy phải buồn. 

Ngày tháng trôi đi. Biển trong và bầu trời trở lại cao xanh bát ngát. Dân trong xóm, cả nhà mình nữa, trở lại những cuộc đánh bắt thường lệ. Bình minh hé dần, tiếng chào hỏi nhau lại cất lên rôm rả giữa nhịp sống đều đều. Duy chỉ có ba anh là không hề trở lại, nhà anh rơi vào im lặng không tiếng người cười nói. Mẹ anh đổ bệnh và yếu dần. Những đứa em của anh còn quá nhỏ, anh không còn thuyền để ra khơi nên phải đi làm thuê cho những chủ thuyền khác, nuôi sáu miệng ăn trong nhà. Anh cũng không hề cười từ ngày đó. Cuộc sống lay lắt được mấy năm, khi thằng em đủ lớn để làm thuê thì anh quyết định bỏ quê vào thành phố kiếm tiền. Còn có chuyện mình quên nhắc, anh đỗ thủ khoa cái trường đại học gì đó. Nhưng cũng chẳng đáng nhắc đến, anh xé tờ giấy báo nhập học khi người ta mang đến, vài tuần sau khi ba mất hút vào lòng biển.

Không ai biết gì về anh từ ngày anh đi. Trong xóm ấy không ai đủ giàu để giúp đỡ, chỉ nhìn mái tranh xơ xác dần bằng sự bất nhẫn, bất lực. Gần một năm sau, anh gửi tiền về nhà. Thằng em trai anh đi khoe khắp, nó cũng giống anh, nghĩa là hồ hởi và vui vẻ với mọi người. Anh gửi kèm lá thư, bảo sống rất ổn, và dặn thằng em chăm sóc mẹ cùng ba đứa em gái, dặn chúng nó đi học lại vì anh sẽ gửi đủ tiền cho chúng đi học. Mấy đứa em gái mừng, thằng em mừng, mẹ anh mừng, mọi người mừng. Mái tranh lụp xụp ấy lại một lần được thắp lên ngọn nến giữa đêm bão bùng. Nhưng đó là lá thư duy nhất anh viết, sau đó chỉ có tiền, không hỏi han gì, chẳng ai biết anh làm gì.

Trước lúc mình đi thi đại học, mẹ anh mất, chẳng biết vì gì. Có lẽ người đàn bà ấy đã quá mệt mỏi với cuộc đời và thương nhớ con mình, nhiều lần người ta thấy, mình cũng thấy, bà lang thang ra ngóng về biển, một mình. Bốn đứa em của anh khóc hết nước mắt, anh vẫn không hay gì. Ngày đó cũng không lấy đâu ra điện thoại di động, còn thư thì gửi chưa biết bao giờ mới tới nơi.

Mình có gặp lại anh lúc đi thi, chẳng biết sao mà gặp được. Độ ấy mình không còn nhận ra con người phơi phới nhựa sống xưa kia nữa, anh khắc khổ trong bộ áo quần thê thảm, một căn gác có mấy tấm ván lát sàn và một chiếc xe đạp cũ nát. Nhìn vậy, mình đau lòng, mấy năm qua anh đã làm gì và sống kiểu gì để dành đủ số tiền cho mấy đứa em được đi học. Mình không nói chuyện gì, cũng không dám hỏi. Mình báo tin mẹ anh mất, xong ngồi im lặng, rồi về. Quãng đường về hôm ấy dài bất tận, buồn thiu. Nhưng lạ, hôm ấy anh không khóc. 

Những năm tháng cứ vô tình trôi đi, mình dần quên đi mọi việc, con người vốn vô tình trước dòng chảy thời gian. Cũng không biết sau đó anh sống ra sao. Mình biết anh vẫn gửi tiền về, mãi cho đến khi những đứa em anh học hết phổ thông và có đứa lấy chồng, có đứa đi làm cho những xí nghiệp nho nhỏ quanh đó. Ngôi nhà cũ bây giờ của thằng em trai, nó vẫn sống chan hòa với mọi người. Cái làng nho nhỏ cũng tiêu điều dần, người bỏ đi, chỉ còn mấy hàng thùy dương là vẫn miệt mài đón gió biển. Thỉnh thoảng mình về lại, vẫn còn những chiếc thuyền thúng chơ vơ giữa bãi cát hoang, nhưng mình không còn ham muốn cưỡi lên đó đi lặn ngắm san hô nữa. Chúng nằm trơ trọi giữa trời biển, chừng như nhắc nhở về những kiếp người nhỏ nhoi đã chìm vào dĩ vãng.

Cái vỗ vai khiến mình giật mình quay về thực tại. Tách cà phê lặng lẽ nằm, mình ngẫng đầu nhìn anh. Anh mỉm cười, dù nét khắc khổ hiển hiện nhưng có phần tươi tỉnh hơn lần mình đi thi đại học. Vốn là mình gặp lại em gái anh một dịp tình cờ, rồi vội vàng xin số điện thoại để hẹn gặp. Anh già đi nhanh chóng. Mình hăm mấy nhưng tóc đã bạc, anh còn già hơn mình với những nếp nhăn nhọc nhằn của thời gian, của gánh nặng mang tên số phận. Duy chỉ có nụ cười vẫn đầy nhiệt thành của nét yêu đời. Nhìn anh, mình lại mỉa mai cho những khó khăn tí hon của mình mà ngày nào cũng than vãn. Anh hút thuốc, khói bay lãng đãng, nhìn bâng quơ hỏi:
- Anh hút vậy em khó chịu không?
- Không. Em không hút vẫn chịu được mùi thuốc lá, thích nữa là khác.
Anh cười hiền. Mình dặm hỏi:
- Đó giờ anh có về quê lại không?
Anh trầm ngâm một chút, như để nhớ lại cái ‘đó giờ’ là bao lâu, những ngón tay chai sạn vân vê chiếc tách rồi nói như thủ thỉ:
- Hình như không. Từ ngày bà mất, anh chỉ về một lần, nhìn mấy đứa nó khỏe mạnh vui vẻ, anh vui rồi. Hai vợ chồng con Lam sống được lắm, em gặp nó rồi đúng không, nó có đến thăm anh một lần. Thằng Ba thì giống y như ba anh, nhưng nó không chịu lấy vợ, thôi thì quyền nó. Hai đứa sau thì đi làm xưởng may trong thị xã, cũng ổn ổn. 
- Còn anh?
- Anh? Anh có sao đâu?
- Ý em là, bây giờ anh sống sao? Có tiếc hay buồn gì không, đại khái vậy.
Anh dập điếu thuốc, cười bảo:
- Buồn gì bây giờ hở em. Ngày ấy anh mơ mộng được học hành, cũng cốt để kiếm tiền giúp mấy đứa em của anh thôi. Lâu rồi, mọi thứ cũng qua hết.
Nói vậy, nhưng nụ cười của anh có phần chua chát, mình hơi khó chịu trong lòng. Anh nói tiếp, như đang tự nói với mình:
- Còn tiếc thì anh có tiếc một điều. 
Mình dựng người lên một chút vì tò mò. Anh nhìn mình cười cười khiến mình ngượng thêm. Anh vân vê ly nước:
- Em biết không, kể từ ngày ba anh mất, anh đâm ra giận cuộc đời oan nghiệt. Nghèo thôi chưa đủ, sao ông trời khéo làm khổ người lành. Anh lầm lũi sống mấy năm trời, làm đủ mọi nghề để kiếm tiền, nhưng cứ uất hận không thôi. Anh buồn thì buồn thật, nhưng đâu phải chỉ mình anh buồn, cả nhà anh buồn đấy thôi. Anh ích kỷ quá, trốn đi một mình, để lại mẹ với mấy đứa chật vật mà không một lần đoái hoài. Rồi cái ngày biết tin, anh giật mình thương mẹ, anh không khóc được. Cả một đời sống vì chồng con, để rồi chồng thì lặng lẽ đi không một lời trăng trối, con thì biền biệt đất khách quê người. Anh lại sống đau khổ, hối hận suốt một thời gian dài.
Anh dừng lại, nhấp ngụm nước:
- Rồi một ngày anh nghĩ nên về thăm quê và mấy đứa. Thực ra anh sợ về quê, vì… buồn. Có lẽ, nếu không nghĩ đến những người anh yêu thương thì anh đã chôn đời trong cái hố sâu buồn tủi, sống như kẻ thứ sinh vì những ích kỷ cho riêng mình. Mẹ anh còn sống hay đã mất mà trong lòng anh còn có bà thì bà vẫn hiện hiện ở đây thôi. Vậy thôi, anh ngu dại mấy năm trời tự chôn vùi mình, để bà đau khổ, để tự mình đau. Em biết không, lúc anh về thăm quê, anh thấy thương căn nhà tranh đã từng đầy ắp tiếng cười dù nghèo khổ. Anh vẫn yêu biển trời và những hàng thùy dương. Tự nhiên anh lại thấy yêu đời sau một thời gian mệt mỏi, quá dài. Anh đến mộ ba mẹ, có lẽ họ đã đến lúc nghỉ ngơi sau những tháng ngày nghiệt ngã. Còn anh, cũng nên thôi tự làm khổ mình. Anh nghĩ vậy, rồi anh lại vui vẻ thôi. Em thấy đúng không?

Anh lại cười hơi đùa. Nụ cười nhuốm màu từng trải, không còn hồn nhiên, nhưng vẫn nồng nàn với cuộc sống. Mình vui một chút, nhưng cũng không dám hỏi lại quãng thời gian đó anh làm gì. Mình sợ phải nghe. Con người đang ngồi trước mình, đã từng sống với niềm yêu đời hân hoan mãnh liệt. Rồi cuộc đời lại trao cho anh toàn những sóng gió khổ đau, cướp đi những ước mơ trong sáng khi nó mới vừa chớm nở. Mà bây giờ con người ấy vẫn cứ yêu đời tha thiết đó, vẫn bao dung với những nhọc nhằn truân chuyên.

Mình ngồi cà kê về chuyện khi nhỏ, lúc còn rong chơi giữa những rặng san hô, những buổi trưa cháy da hay những buổi chiều thả diều vi vu gió. Anh còn nhớ mọi chuyện, say sưa nhắc lại chuyện mình đã quên. 

Trời tối dần, mình về. Mình hơi sợ khi gặp lại, nhưng may mắn con người ấy chưa gục ngã trước số phận. Có lẽ trái tim anh chưa bao giờ thôi yêu cuộc sống, vẫn miệt mài gieo những tâm thương vào đời. Anh còn đem lại cho mình chút hương quê, không thấm đẫm nồng nàn những vẫn cứ ấm áp thương thương. Mình mỉm cười trên đường về khi nhớ lại những ngày trốn ngủ, những cơn gió biển mằn mặn, những rặng cây lao xao theo gió, và những à ơi ngọt ngào của mẹ. Lời cuối cùng mà anh nói, mình còn nhớ mãi:
- Em cũng nhớ về quê, về thăm mẹ đi. Đời này, biết còn được về thăm mẹ mấy lần. 


---
Sau lần gặp, mình còn giữ liên lạc với anh, có hẹn gặp nhưng ít khi gặp được. Mình hiểu anh vẫn loay hoay chật vật rất nhiều với cuộc sống. Dù con đường đi học của anh chấm dứt sớm, anh vẫn ham học hỏi và đọc rất nhiều sách. Mỗi khi gặp, anh vẫn nói mình nghe về những mâu thuẫn gây say đắm lòng người của Dostoyevsky, về cái đẹp của thơ Đường, hoặc những rung động của vũ trụ và hoa sen. Vẫn còn đó y nguyên những nét hào hứng như ngày trước. Mình tin rằng, đằng sau sự khắc khổ ấy, vẫn luôn là một tâm hồn đẹp. 

Mình cũng va vấp, cũng nhiều biến cố, nếu không muốn nói là quá nhiều. Mình đâm già, già rất nhanh. Những người quen thân hay nói tuổi tâm lý của mình hơn mười năm so với tuổi sinh lý. Cuộc sống cứ cuốn phăng phăng đi hết thảy, những thứ đẹp đẽ ngây thơ nhất chìm dần vào một góc nào đó tối tăm, nhường chỗ cho điều nhọc lòng đầy mới mẻ. Mình tự biết mình thay đổi nhiều, nhìn đời đầy phiến diện. Thời gian vẫn lặng lẽ đi không chờ ai. Một thời gian im bặt, mỗi người đều mải miết với những lo toan, mình không còn liên lạc với anh. Rồi một ngày đến bất ngờ, đứa em của anh bằng cách nào đó gọi đến mình, bảo anh đang ở tù, nhờ mình qua thăm. 

Mình không hỏi thêm gì, chỉ ừ, rồi đi. Con đường loang lỗ nhiều vệt nắng, lặng lẽ nằm im trong một buổi chiều hoang vu. Ai cũng có những tâm sự của riêng họ, mình cũng vậy, nhiều lúc mình không thể gọi tên nó ra, cứ để nó âm ỉ một góc nào đó. Khi có nhiều thứ để suy nghĩ, mình tự nhiên vô tư lự, lơ ngơ, lòng ráo hoảnh. Cuộc đời của anh hay của mình cũng chỉ là một mảnh ghép nhỏ, nhỏ xíu, không được vuông vắn, nhưng vẫn là một mảnh ghép. Có những điều thật kỳ lạ đến với mình trong những năm tháng đó mà khi nhìn lại, chỉ là những mảng ký ức nhàn nhạt mơ hồ, mình vẫn tự hỏi ý nghĩa của nó là gì.

Anh vẫn không có gì thay đổi, chỉ cười, có vẻ ngượng. Mình gửi đồ, không hỏi lý do. Anh bảo đây là dịp để anh dừng lại, để nghĩ thêm, ở cũng tốt. Những điều tâm niệm thì anh đã làm xong. Ba mẹ đã yên giấc ở cõi nào đó rồi, em của anh cũng đã tự lập, tự lo cuộc sống. Còn anh vẫn chênh vênh giữa những khoảng sáng tối. Vẫn cách nói chuyện của anh, có phần văn vở nhưng chân thành, không sáo rỗng. Nó làm mình đau lòng. Mình nói suy nghĩ đó ra. Anh nói chẳng có gì để đau lòng. Ở bên ngoài chưa chắc đã tốt, anh cũng không ở lâu, nên đừng đến nữa. Mình ừ. 

Sau lần gặp đó, mình nhận ra có điều gì trong mình cũng chai sạn như bàn tay của anh vậy. Sau một quãng thời gian dài, mình trơ ra. Như nhiều người nói, nó vô cảm. Rồi bây giờ, mình nhận ra là mình còn thấy buồn. Con đường về còn lạnh lùng hơn lúc mình đến. Mình tiếp tục cái guồng quay của cuộc sống nhàm chán.

Một lần hiếm hoi, khi mình vừa bò qua những môn thi ở trường, mình gặp lại anh, sau khi mãn hạn. Mình vẫn không thắc mắc điều gì khi gặp lại, anh cũng không kể. Vẫn còn nguyên nét tươi vui yêu đời, bên cái vẻ ngoài cục mịch vì sương gió. Mùa hè, Saigon lại trở nên nhớp nháp và bụi bặm. Hình ảnh của anh vẫn khiến mình thấy hơi có lỗi, một cách vô cớ, mình cũng giận cuộc đời y như anh ngày đó, và có phần hằn học hơn. Phần vì những chuyện của riêng mình, phần vì những nhọc nhằn của anh. 

Anh bảo sẽ ráng đi học lại, anh vẫn còn đâu đó trong mình một khát khao là được đi học. Nhưng tuổi đã quá lớn, hai bàn tay anh đã chai cứng vì cầm xẻng cầm búa. Buổi tối đầu tiên đi học, anh kể, bàn tay cứng ngắc đó cầm lại cây viết, tay anh run, viết được mấy dòng thì anh dừng lại, bỏ về. Anh nói với mình:
- Anh không làm được. Có những thứ chỉ còn là tiếc nuối thôi. Anh đã làm nhiều điều không hay ho, anh tự thấy có gì đó bên trong mình đã rách tơi tả. Lúc ngồi xuống với sách vở trước mặt, có thứ gì đó trong sáng nhỏ nhỏi bên trong anh cháy lên một chút. Nhưng rất vội, anh biết rằng mình không còn xứng đáng nữa…
Giọng anh vẫn như ngày trước, nó không nghẹn ngào khắc khổ, nhưng nó rất chơ vơ, như lạc vào một khoảng không nào đó vô định. Mình bất giác hỏi:
- Vì sao phải vậy? Cái gì đã qua thì cho qua, con người vốn cũng sống cho ngày hôm nay, vui thì làm được hôm nay thôi anh. 

Mình lại nói cái kiểu triết lý rởm đời của mình ra như thường lệ. Nó là sáo ngữ, vô nghĩa, nhưng cứ nói.

- Có những chuyện, anh muốn chối bỏ.

Anh chìm vào im lặng hồi lâu. Mình cũng chìm vào suy nghĩ của riêng mình. Ai cũng có một cuộc chiến riêng, dù khó dù dễ, nó vẫn làm cuộc đời thêm nhiều sắc màu lạ lẫm. Mình lại tặc lưỡi: 

- Anh giống Đốt Tôi quá! Khổ thôi.
- Anh không giống thì tốt cho anh, xui anh lại giống cái khổ mà không giống cái tài của Đốt. Nhưng anh vẫn thấy, cuộc đời vui quá không buồn được.

Cái câu đó của Tuân Nguyễn, mình biết, mình cũng thích. Cuộc đời Tuân Nguyễn cũng đại diện cho cuộc đời những con người có niềm yêu đời bất diệt nhưng bị cuộc đời vùi dập nát bươm. Mỗi lần nghe câu nói đó, mình lại thấy nghẹn vì sự nghiệt ngã ở phía sau nụ cười. Thấy mình cười như mếu, anh nói:
- Hồi đó anh quên hỏi, anh không biết là em thi y. Cái xóm của mình, cũng có bác sĩ rồi. Nhưng cũng là người trí thức, em không ngại gặp những người như anh hả?

Mình cười bảo:
- Đ.m., ngại cái cục cứt. Anh còn chân thành đẹp đẽ hơn khối người ra đó. Mình không nói ra, không phải mình không biết… Nhiều khi em thấy con người lạ quá, hoặc em bị tâm thần, hoặc họ đều phát điên.
- Cuộc đời sẽ đối xử như thế nào với mình thì mình vẫn sống như vốn vậy. Anh sẽ còn giật mình khi giẫm lên đồng xu như Valijean, dù bạc bẽo hay hạnh phúc thì cứ vậy.

Mình kể về những điều chất chứa trong lòng mình, nhưng lên xuống lừa lọc đảo điên. Đó là lần đầu mình văng tục nhiều ra vậy, cũng là lần đầu tiên và có lẽ cũng sẽ là lần duy nhất mình trải hết lòng với một người khác. Rồi cuối cùng, mình vẫn nói rằng, mình còn yêu đời nhiều quá. Hai người cười khành khạch. Buổi chiều trôi qua lặng lẽ đến tối, không vui không buồn. Mình lại sớm quay lại guồng quay của mình, chẳng biết cuộc sống của anh sẽ tiếp tục như thế nào nếu không đi học được nữa. 

Định mệnh vẫn chưa thôi nghiệt ngã. Mình không biết lần cuối gặp, mình đã nói những gì, hay quên nói những gì. Ngày anh mất, mình cười ngờ nghệch trong một buổi sáng đẹp trời. Không một gợn mây, bầu trời trong vắt và vắng lặng. Những người thân mất biệt. Mình rải tro ở hướng Đông, theo quan niệm của anh về phong thủy và nòi giống, mình cũng không biết đúng hay không. Gió thổi ngược làm tro bám lên người, mình rũ áo, ngẩng đầu nhìn về phía xa. Trời vẫn trong xanh.

Thời gian vẫn chẳng đợi chờ ai. Những người quen cũ cũng lùi dần vào dĩ vãng mơ hồ. Mình vẫn lần mò trong những câu hỏi ngô nghê, vẫn gom kỷ niệm nhét một góc nào đó, thỉnh thoảng lôi ra phủi sạch bụi ngắm nghía, rồi lại cất. Những điều mơ hồ đó lại khiến mình nhận ra những sợi dây chân thật nhất nối liền cuộc sống và cái chết. Dù có hay lèm bèm nói về vô thường, nhưng mấy ai chấp nhận lẽ vô thường được đâu. Để một ngày nó đến, vẫn cứ nghe mệt kiếp người, vẫn mỉm cười mà thốt lên, cuộc đời vui quá không buồn được. 

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tự thuật

1993-2010: tuổi thơ dữ dội 1993: được ba mẹ đẻ ra đời 1998: leo cửa sổ té bị đinh đâm xuyên mép miệng, vẫn còn vết sẹo kỷ niệm 1999: đi học a bờ cờ ở trường làng, bị cô gõ đầu vì học ngày càng ngu 2000: lần đầu được lên hồ bơi, lộn qua hồ bơi người lớn suýt chết đuối, tới giờ vẫn không biết bơi 2001: lỡ tay ném đá trúng đầu bạn chảy máu thành dòng, bị cô cho một cái bợp tay, quất 5 roi, bắt quỳ 2003: đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh được giải Nhì, chị nói nhục 2004: đậu thủ khoa vô cấp 2, quyết tâm thành con ngoan trò giỏi 2006: ba ném cho cái ghế trúng đầu suýt mù, dắt mẹ chạy 2007: lại đi thi 3 môn, lại giải Nhì nhưng lần này không có ai giải Nhất 2008: đậu thủ khoa vô cấp 3 kèm lớp chuyên Lý, tự gom tiền mua cái máy vi tính tập đánh máy 2010: đi thi quốc gia cùng đàn anh mà vô tình được giải, thầy tưởng học giỏi 2011: khóc cười - tiếp tục bị gọi đi thi dù hết thích nhưng vô tình lại được giải Nhì, được miễn thi tốt nghiệp - ngồi viết đơn li dị cho ba mẹ, dắt mẹ vô Nam 2011-13-15: vô tr...

Cứ bình thường thôi?

Chiều tắt. Phía xa xa thành phố, những vệt cuối cùng loé lên sau cục mây đang ngượng ngùng ửng hồng. Con đường đen sẫm bỗng như dài ra hun hút trong gió chiều, thỉnh thoảng lại dấy lên những làn sóng đong đưa của hàng cây đứng đều tăm tắp, cùng một đoạn nhạc du dương văng vẳng.. lòng mình tự nhiên dịu đi không ít. Nhìn vạt nắng như nan quạt, mình trộm nhớ lại ngày nhỏ còn đứa cuốn chiếu, đứa ôm bóng, dắt nhau ra bãi cỏ nhỏ lọt thỏm trong lòng ngôi làng, để nằm đợi những vệt nắng hồng đầu tiên đâm lên từ hàng bạch đàn núp cuối cánh đồng. Ở đó, cơn gió buổi sớm còn mang theo hơi sương lành lạnh, mơn man vuốt ve khuôn mặt những đứa nhỏ lem luốc, vỗ về những ngày tháng êm đềm không dài, không ngắn. Cái đoạn này, nhạc vang lên: Nụ cười về trên nét môi, hạnh phúc tôi, một góc trời Rồi lớn rồi đi học rồi đi làm. Thời gian thoăn thoắt trôi đi, cuốn theo con người lao vào những mối lo ở đời để lâu lâu, nhìn lại, ngờ ngợ thấy rằng mình đã lớn chưa. Ở tuổi nửa già nửa trẻ, không phải quá long bon...

Hoa Mộc Lan

Viết tặng một người, đủ mạnh mẽ, đủ dịu dàng.  1.  29 Tết. Những ngày cuối năm đường vẫn đông, nắng lác đác mùi hanh hao, thỉnh thoảng lại tắt biến đâu mất sau mấy cục mây. Mấy ngày này cứ tưởng Saigon cũng có mùa thu. Trong ký ức của mình, mùa này ở quê là mùa của khô môi, của bầu trời xam xám, của những đốm trắng hoa sầu đâu lắc lư theo gió. Mình rất thích những ngày gần Tết ở làng, hớn hở chờ được nghỉ học, mong chờ những ngày vui hiếm hoi của năm. Khi những ông bà cụ ngồi mong chờ con cháu về, chắp tay đi quanh nhà, chốc chốc dừng lại nhìn ra ngõ. Những cô chú cũng bắt đầu bớt việc đồng, dành thời gian vun vén nhà cửa. Tụi con nít háo hức chờ quà anh chị đi xa đem về, chờ hàng quà ngày tết. Chợ quê tấp nập, thêm nhiều hoa trái. Người dân làng thường hỏi thăm nhau đã chuẩn bị được gì, kể nhau nghe những nỗi lo trước ngày đón năm mới.  Mùi ở quê thích hơn nhiều so với mùi khói bụi thị thành. Mình thường đạp xe vi vu những trưa đi học về, khi những ngày hiếm hoi trời đã ...