Chuyển đến nội dung chính

Bông hồng cài áo

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em : “Mẹ ơi, mẹ có biết không?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ hỏi em, vừa cười vừa hỏi “Biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ hỏi tiếp: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi, cũng có thể hỏi một câu như thế, bời vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.



Cái điệp khúc đó quá ngọt ngào, ngọt ngào cho bất kỳ ai đang còn mẹ bên mình. Quanh đi quẩn lại, tôi tự than đời mình hết mấy năm, nghĩa là uổng phí hết mấy năm, mãi đến khi tôi nhận ra món quà lớn nhất của đời mình là mẹ. Mẹ là dòng suối dịu hiền yêu thương, tôi tắm mát và vẫy vùng trong đó, vậy mà cũng có lúc không nhận ra cái dòng suối, tội nghiệp cho tôi. 

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau

Người dân quê có gì nói đó, thật còn gì dịu ngọt và thơm lành hơn mẹ nữa! Từ lúc lọt lòng đã nằm trọn trong vòng tay mẹ. Nằm trong nôi cất tiếng khóc thì được nghe tiếng ru hời ấm áp với khuôn mặt thương yêu hiện hữu. Mỗi lần đau ốm lại thấy mẹ rầu như già thêm mấy tuổi, bỏ ăn vì con. Mưa nắng đổ lên lưng mẹ, con vẫn an lành với bữa cơm canh nóng. Đến giờ lớn tòng ngòng, mẹ vẫn dõi theo con như hình như bóng. Tình mẹ là nước trong nguồn chảy ra, dòng nước chảy hoài bất diệt, miệt mài tưới tẩm yêu thương.

Cảm ơn mẹ thì bao nhiêu cho đủ. Kí ức của tôi về mẹ là một dòng chảy qua năm tháng thăng trầm nhưng chưa từng thiếu những yêu thương. Mới mấy năm trước tôi vô tình nhắc mẹ Vu Lan, mẹ nói ngày nào cũng là Vu Lan, tôi cười. Thật thế mà. Thương mẹ đâu phải là cái gì luân lý đạo đức, đó là vốn liếng yêu thương, là xôi là chuối là đường, là dòng suối mát ngọt ngon lành nhất giữa đời cho mỗi người. Nếu bạn không thương thì tội nghiệp cho bạn, thiệt thòi cho bạn. Có dịp, tôi chỉ muốn phi xe thẳng về nhà ăn cơm cùng mẹ, kể chuyện thủ thỉ bên mẹ. Hạnh phúc đấy chứ còn đâu. Tôi không khoe cũng chẳng khuyên bạn, đời này còn mấy lần được về thăm mẹ, đừng mãi lao vào danh lợi mà đánh mất những phút giây thiêng liêng bên mẹ.

Có người nói tôi là người có tâm, mà không biết cái tâm đặt ở đâu. Tôi mẩm nghĩ chắc tôi đặt nơi mẹ, bởi mẹ trao cho tôi cái tâm ấy. Mẹ sống đời cực nhọc từ nhỏ, lớn lên giữa buổi đao binh loạn lạc, lấy chồng sớm rồi một đời lo cho chồng con. Bây giờ mà nói ơn nghĩa với mẹ thì sáo ngữ và thừa thải lắm, nói ngàn lời không đủ. Khoa học nói rằng con người chúng ta chịu ảnh hưởng rất nhiều từ ba mẹ, nhiều hơn tất thảy giáo dục và môi trường xung quanh, tôi đồng ý. Mẹ là giáo sư khoa tình thương, một khoa lớn lao và quan trọng giữa trường đời. Tôi coi mẹ như một người thầy đầu tiên và quan trọng nhất đời mình, vậy mà mẹ tôi chỉ coi tôi là một người bạn thôi, cũng từ dạo ấy tôi càng phục mẹ.

Cầu mong cho mẹ luôn bình an khỏe mạnh, để năm nào tôi cũng cài bông hồng lên áo mà sung sướng như trẻ thơ được quà chợ. Dẫu là ai cũng phải có một con đường riêng để đi, tôi không ngoại lệ, nhưng tôi vẫn thầm nhủ mình để không phải lạc hướng, rằng ‘cả đời này con chỉ cần làm con ngoan của mẹ là đủ rồi, đến bạc đầu cũng chỉ mong được cúi mình dìu chân mẹ’.

-Thương mẹ-
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh, đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em. Thì xin anh, thì xin em, hãy cùng tôi vui sướng đi...


Bài đăng phổ biến từ blog này

Tự thuật

1993-2010: tuổi thơ dữ dội 1993: được ba mẹ đẻ ra đời 1998: leo cửa sổ té bị đinh đâm xuyên mép miệng, vẫn còn vết sẹo kỷ niệm 1999: đi học a bờ cờ ở trường làng, bị cô gõ đầu vì học ngày càng ngu 2000: lần đầu được lên hồ bơi, lộn qua hồ bơi người lớn suýt chết đuối, tới giờ vẫn không biết bơi 2001: lỡ tay ném đá trúng đầu bạn chảy máu thành dòng, bị cô cho một cái bợp tay, quất 5 roi, bắt quỳ 2003: đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh được giải Nhì, chị nói nhục 2004: đậu thủ khoa vô cấp 2, quyết tâm thành con ngoan trò giỏi 2006: ba ném cho cái ghế trúng đầu suýt mù, dắt mẹ chạy 2007: lại đi thi 3 môn, lại giải Nhì nhưng lần này không có ai giải Nhất 2008: đậu thủ khoa vô cấp 3 kèm lớp chuyên Lý, tự gom tiền mua cái máy vi tính tập đánh máy 2010: đi thi quốc gia cùng đàn anh mà vô tình được giải, thầy tưởng học giỏi 2011: khóc cười - tiếp tục bị gọi đi thi dù hết thích nhưng vô tình lại được giải Nhì, được miễn thi tốt nghiệp - ngồi viết đơn li dị cho ba mẹ, dắt mẹ vô Nam 2011-13-15: vô tr...

Cứ bình thường thôi?

Chiều tắt. Phía xa xa thành phố, những vệt cuối cùng loé lên sau cục mây đang ngượng ngùng ửng hồng. Con đường đen sẫm bỗng như dài ra hun hút trong gió chiều, thỉnh thoảng lại dấy lên những làn sóng đong đưa của hàng cây đứng đều tăm tắp, cùng một đoạn nhạc du dương văng vẳng.. lòng mình tự nhiên dịu đi không ít. Nhìn vạt nắng như nan quạt, mình trộm nhớ lại ngày nhỏ còn đứa cuốn chiếu, đứa ôm bóng, dắt nhau ra bãi cỏ nhỏ lọt thỏm trong lòng ngôi làng, để nằm đợi những vệt nắng hồng đầu tiên đâm lên từ hàng bạch đàn núp cuối cánh đồng. Ở đó, cơn gió buổi sớm còn mang theo hơi sương lành lạnh, mơn man vuốt ve khuôn mặt những đứa nhỏ lem luốc, vỗ về những ngày tháng êm đềm không dài, không ngắn. Cái đoạn này, nhạc vang lên: Nụ cười về trên nét môi, hạnh phúc tôi, một góc trời Rồi lớn rồi đi học rồi đi làm. Thời gian thoăn thoắt trôi đi, cuốn theo con người lao vào những mối lo ở đời để lâu lâu, nhìn lại, ngờ ngợ thấy rằng mình đã lớn chưa. Ở tuổi nửa già nửa trẻ, không phải quá long bon...

Hoa Mộc Lan

Viết tặng một người, đủ mạnh mẽ, đủ dịu dàng.  1.  29 Tết. Những ngày cuối năm đường vẫn đông, nắng lác đác mùi hanh hao, thỉnh thoảng lại tắt biến đâu mất sau mấy cục mây. Mấy ngày này cứ tưởng Saigon cũng có mùa thu. Trong ký ức của mình, mùa này ở quê là mùa của khô môi, của bầu trời xam xám, của những đốm trắng hoa sầu đâu lắc lư theo gió. Mình rất thích những ngày gần Tết ở làng, hớn hở chờ được nghỉ học, mong chờ những ngày vui hiếm hoi của năm. Khi những ông bà cụ ngồi mong chờ con cháu về, chắp tay đi quanh nhà, chốc chốc dừng lại nhìn ra ngõ. Những cô chú cũng bắt đầu bớt việc đồng, dành thời gian vun vén nhà cửa. Tụi con nít háo hức chờ quà anh chị đi xa đem về, chờ hàng quà ngày tết. Chợ quê tấp nập, thêm nhiều hoa trái. Người dân làng thường hỏi thăm nhau đã chuẩn bị được gì, kể nhau nghe những nỗi lo trước ngày đón năm mới.  Mùi ở quê thích hơn nhiều so với mùi khói bụi thị thành. Mình thường đạp xe vi vu những trưa đi học về, khi những ngày hiếm hoi trời đã ...