Chuyển đến nội dung chính

Trung thu

Mấy ngày rảnh rỗi cuối cùng của mùa hè, mình ru rú trong nhà ăn ngủ như heo, thỉnh thoảng có việc ra đường cứ cúi đầu chạy xe không để ý gì. Tối ngồi nghe trống múa lân, quanh nhà có mấy hàng bánh Kinh Đô đỏ rực, vậy là sắp tới trung thu. Ở Saigon ít lâu mới biết trẻ con ở đây không còn hứng thú với trung thu như ở quê, chúng chỉ mua vài cái bánh to đùng ăn rồi thôi. Còn lại là để dành phần người lớn, biếu quà thể hiện tấm lòng với các sếp, nhân văn lắm luôn. Chỉ tội bọn trẻ, có cái ngày vui cũng bị cướp mất.

Dạo gần đây mình thích uống trà nên năm nào cũng lân la xin xỏ kiếm miếng bánh rồi pha trà ngồi uống, hưởng tết trung thu theo phong cách ông cụ, nghĩ chuyện đời. Lâu lâu cũng có đứa đi qua bảo đồ già với đôi mắt đầy khinh bỉ, mình nguýt lại liền bảo tao già rồi, tởm lắm. Và thường chúng nó sẽ xin uống trà chung, rồi nghe mình kể chuyện đời, tởm thiệt hehe.

Lại nhớ chuyện hồi nhỏ, mỗi dịp trung thu là có đủ trò. Đầu tiên là đèn lồng. Bọn xóm trên nhà có điều kiện nên mua đủ kiểu đèn lồng, thường là loại đèn ông sao 5 cánh dán giấy kiếng xanh đỏ tím vàng, bên trong có chổ đốt nến. Đến tối trung thu là đốt nến rồi xách đi tung tăng quanh xóm làng. Hồi đó mình thích mê nhưng không bao giờ mua, cũng không vòi vĩnh vì với mình chúng thật quá xa xỉ. Thế nên tự làm, học theo người ta hì hục chặt tre vót tre làm thử mấy bận, mà làm 10 lần thì hỏng cả 10. Đến tối trung thu vẫn không có nên dùng đèn pin, loại chuyên bắt nhái. Bọn con nít xóm mình tuyền dùng đèn pin, vui kinh. Sau này lớn đầu mình tập làm đèn Khổng Minh thả thì lại được.

Mấy ngày gần trung thu thường có màn chơi mặt nạ đóng vai nhân vật trong Tây Du Ký, hồi nhỏ thì không phim gì hấp dẫn hơn thầy trò Đường Tăng. Xóm mình ít khi ba mẹ cho tiền mua vì phần lớn nghèo, nên tụi nó thường để dành tiền lượm ve chai sắt vụn, đủ thì mua. Đeo mặt nạ rồi nhảy loi choi hò hét um cả xóm, đến khuya bị chửi mới mò về nhà. Đứa nào cũng mê Tôn Ngộ Không, tranh nhau làm Đại Thánh. Cuối cùng thì mình thường được vì đơn giản là không đứa nào nhiều lông măng bằng mình.

Đi kèm mặt nạ là màn múa lân, mình không thích trò này. Hồi nhỏ mình luôn nghĩ việc trẻ con đeo mặt nạ ông Địa nhảy tí tởn đi xin tiền là bậy bạ, không tốt, bây giờ thì vẫn nghĩ vậy hehe. Bọn nhỏ xóm mình thường chung tiền lại nhưng chỉ mua đủ cái đầu lân, sau lấy miếng vải đủ dài làm thân, trống thì dùng thùng sơn expo cũ, mỗi đứa khoác lên một bộ áo quần rộng thùng thình, vậy là có một đoàn. Tuy thô sơ nhưng hễ nghe tiếng trống expo là cả bọn nhỏ như mình phát rồ lên nhảy lóc chóc, kéo nhau lũ lượt đi theo từ nhà này sang nhà khác. Có nhà niềm nở những cũng có nhà đóng cửa không cho vào. Nhà mình có ông ba tốt tính nổi tiếng hay say rượu nên chả ma nào dám vào xin tiền. Mình nhớ có một ông chú nhìn mặt hung lắm, thấy bọn xin tiền sấm sượt vào nhà là vác đùi rượt, đứa nào cũng xanh mặt cúp đít chạy té khói. Rồi hôm sau cả bọn lại mò vào xin tiền, vừa đi vừa nơm nớp lo, vui kinh.

Tối trung thu trăng sáng, cả bọn kéo ra đường, có đèn lồng thì xách đèn lồng, đèn pin thì rọi đèn pin, không có thì đi tay không, bè bè lũ lũ kéo về hội trường của làng để nhận kẹo. Xếp hàng nghiêm túc đợi các bác lên phát biểu, diễn văn dài lê thê nên mình chả nhớ họ nói gì. Rồi thì mỗi đứa nhận một gói kẹo nhỏ tí, ra về lòng đầy mãn nguyện, thậm thọt để dành không dám ăn. Hồi đó mình bắt đầu khôn lỏi theo bọn bạn, nhận xong xếp hàng lại nhận gói khác. Mặt mình hiền nên thường không ai nghi ngờ gì. Vô tình mình bắt đầu bước vào tà đạo, sau này nghĩ lại thấy hồi đó mình hiền chán hehe. 

Dần dần mình lớn và già đi, biết nghĩ ngợi linh tinh thì không còn tung tăng như lúc nhỏ nữa, chán. Hơn nữa cái màn phát kẹo trung thu bọn trẻ thích nhất cũng đã tàn dần. Mình nhớ hồi nhỏ tí là được một gói kẹo, đến lúc mình học trung học (vẫn đu theo đi xin kẹo) thì còn có vài cái kẹo thấy tội, bọn trẻ bỉu môi rồi dần không thèm đi đến hội trường nữa. Ban đầu mình bảo tinh thần tiết kiệm là quốc sách nên kẹo mới ngày càng ít như thế, khuyên tụi nó phải biết ơn Đảng ơn Nhà nước. Sau này có nghe tin mấy bác trưởng thôn cũng ăn hối lộ, chết chửa, cứ tưởng người ở làng thật thà chất phác. Từ dạo đó mình im như hến chả dám nói gì nữa. Tuy vậy, mỗi dịp trung thu mình vẫn có một cái gì đó đặc biệt để nhớ.

Vào đại học, thỉnh thoảng cũng la liếm được bánh trung thu để ăn, chứ chả bao giờ mua vì nó còn xa xỉ hơn đèn ông sao. Bánh to đùng, nhân thập cẩm này nọ nhưng ăn vẫn không ngon bằng cái bánh hồi trước, khô khốc nhỏ xíu, có cục thịt heo tí teo làm nhân.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tự thuật

1993-2010: tuổi thơ dữ dội 1993: được ba mẹ đẻ ra đời 1998: leo cửa sổ té bị đinh đâm xuyên mép miệng, vẫn còn vết sẹo kỷ niệm 1999: đi học a bờ cờ ở trường làng, bị cô gõ đầu vì học ngày càng ngu 2000: lần đầu được lên hồ bơi, lộn qua hồ bơi người lớn suýt chết đuối, tới giờ vẫn không biết bơi 2001: lỡ tay ném đá trúng đầu bạn chảy máu thành dòng, bị cô cho một cái bợp tay, quất 5 roi, bắt quỳ 2003: đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh được giải Nhì, chị nói nhục 2004: đậu thủ khoa vô cấp 2, quyết tâm thành con ngoan trò giỏi 2006: ba ném cho cái ghế trúng đầu suýt mù, dắt mẹ chạy 2007: lại đi thi 3 môn, lại giải Nhì nhưng lần này không có ai giải Nhất 2008: đậu thủ khoa vô cấp 3 kèm lớp chuyên Lý, tự gom tiền mua cái máy vi tính tập đánh máy 2010: đi thi quốc gia cùng đàn anh mà vô tình được giải, thầy tưởng học giỏi 2011: khóc cười - tiếp tục bị gọi đi thi dù hết thích nhưng vô tình lại được giải Nhì, được miễn thi tốt nghiệp - ngồi viết đơn li dị cho ba mẹ, dắt mẹ vô Nam 2011-13-15: vô tr...

Cứ bình thường thôi?

Chiều tắt. Phía xa xa thành phố, những vệt cuối cùng loé lên sau cục mây đang ngượng ngùng ửng hồng. Con đường đen sẫm bỗng như dài ra hun hút trong gió chiều, thỉnh thoảng lại dấy lên những làn sóng đong đưa của hàng cây đứng đều tăm tắp, cùng một đoạn nhạc du dương văng vẳng.. lòng mình tự nhiên dịu đi không ít. Nhìn vạt nắng như nan quạt, mình trộm nhớ lại ngày nhỏ còn đứa cuốn chiếu, đứa ôm bóng, dắt nhau ra bãi cỏ nhỏ lọt thỏm trong lòng ngôi làng, để nằm đợi những vệt nắng hồng đầu tiên đâm lên từ hàng bạch đàn núp cuối cánh đồng. Ở đó, cơn gió buổi sớm còn mang theo hơi sương lành lạnh, mơn man vuốt ve khuôn mặt những đứa nhỏ lem luốc, vỗ về những ngày tháng êm đềm không dài, không ngắn. Cái đoạn này, nhạc vang lên: Nụ cười về trên nét môi, hạnh phúc tôi, một góc trời Rồi lớn rồi đi học rồi đi làm. Thời gian thoăn thoắt trôi đi, cuốn theo con người lao vào những mối lo ở đời để lâu lâu, nhìn lại, ngờ ngợ thấy rằng mình đã lớn chưa. Ở tuổi nửa già nửa trẻ, không phải quá long bon...

Hoa Mộc Lan

Viết tặng một người, đủ mạnh mẽ, đủ dịu dàng.  1.  29 Tết. Những ngày cuối năm đường vẫn đông, nắng lác đác mùi hanh hao, thỉnh thoảng lại tắt biến đâu mất sau mấy cục mây. Mấy ngày này cứ tưởng Saigon cũng có mùa thu. Trong ký ức của mình, mùa này ở quê là mùa của khô môi, của bầu trời xam xám, của những đốm trắng hoa sầu đâu lắc lư theo gió. Mình rất thích những ngày gần Tết ở làng, hớn hở chờ được nghỉ học, mong chờ những ngày vui hiếm hoi của năm. Khi những ông bà cụ ngồi mong chờ con cháu về, chắp tay đi quanh nhà, chốc chốc dừng lại nhìn ra ngõ. Những cô chú cũng bắt đầu bớt việc đồng, dành thời gian vun vén nhà cửa. Tụi con nít háo hức chờ quà anh chị đi xa đem về, chờ hàng quà ngày tết. Chợ quê tấp nập, thêm nhiều hoa trái. Người dân làng thường hỏi thăm nhau đã chuẩn bị được gì, kể nhau nghe những nỗi lo trước ngày đón năm mới.  Mùi ở quê thích hơn nhiều so với mùi khói bụi thị thành. Mình thường đạp xe vi vu những trưa đi học về, khi những ngày hiếm hoi trời đã ...