Chuyển đến nội dung chính

Nỗ lực là tên gọi khác của kì tích

Một ngày lê thê, mình lết về nhà trong tâm trạng thất thểu như mấy đứa nhỏ bị giựt mất quà, nó lâu lâu, làm dấy lên suy nghĩ rằng không biết mình đã trưởng thành hay chưa. Dù biết rằng là sự ủ ê đó chỉ xuất hiện khi ở một mình, không bao giờ ảnh hưởng đến công việc hay những mối quan hệ khác, như kiểu mình đối diện với bản thân một cách trần trụi nhất. Rồi tự nhiên, ít nhiều hiểu cái ý của cụ Dos, thật không còn gì bằng khi có thể tìm được một người mà bạn có thể nói chuyện cùng họ như nói với bản thân mình.

Nói tới chuyện đó, mình nghĩ tới một chuyện buồn cười. Có bạn kia nói rằng mình hạ thấp tiêu chuẩn lại đi, chứ không ế quài cho coi. Mình bảo là tao không có tiêu chuẩn chứ nói gì hạ thấp, nhưng điều mà người khác coi là tiêu chuẩn thì tao coi đó là điều tự nhiên. Mình hay nói đùa tiêu chuẩn thì là mặt mũi sáng sủa, không đẹp cũng dễ mến, body ngon nghẻ, tánh tành dễ mến, khí chất thanh tao, … thì mới có sự cuốn hút, chớ không lẽ bây giờ nói tui thích một người mập ú ù lì, ăn rồi nằm, lôi thôi lếch thếch, chờ người nuôi? Ngoại hình không có quan trọng, nhưng là ít nhiều bộc lộ suy nghĩ, tư duy, ý chí, tánh tành… Mình là loại dễ trông mặt mà bắt hình dong mà. Rồi bạn bảo như vậy thì body shaming, rồi lại tụt vô cái vòng xoáy phán xét người khác? Hừm, điều đó đúng và không đúng, đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, mình nói về tiêu chuẩn thì mình phải vẽ ra như vậy, mình có quyền, chớ cũng không ép uổng hay nói xấu ai mà. Nếu tranh luận nữa, nó sẽ dài ra, dài ra lắm.

Điều quan trọng hơn là tại sao phải có vẻ “khó” đến vậy. Bởi lẽ, thiết nghĩ tất thẩy những điều đó đều là điều mà bản thân mỗi người tự thay đổi được mà.. Quay đi quay lại, nó chỉ là câu chuyện của nhận thức và thái độ. Thí dụ, mình sẽ thấy thật kỳ lạ nếu cứ phải khuyên người khác tập thể dục, là việc vốn để cải thiện cái khoẻ cái đẹp của chính họ.

Có một thời gian, mình luôn dậy 4 giờ hoặc 4 rưỡi, loay hoay pha trà hoặc cà phê rồi ngồi học từ vựng đã chép hôm trước, rồi đọc bài. Đến 6 giờ chạy lên bệnh viện ôm một chồng hồ sơ. Nội trú phải nhớ hết mặt bệnh trong phòng mà không cần lật hồ sơ, từ bệnh sử, diễn tiến, đến kết quả xét nghiệm, thậm chí giảng viên khó còn yêu cầu phải nhớ cả ba mẹ, quê quán, hoàn cảnh gia đình. Xong vô phòng mổ cắm cụi tới chiều. Ăn trưa vội vàng. Chiều nhận bệnh mới và khám lại bệnh cũ, ghi chú hết mọi thắc mắc để tối đọc sách. Về nhà tranh thủ tập thể dục chút, nấu ăn vội, rồi đọc bài tới khuya. Chia thời gian vừa học chuyên môn, học ngoại ngữ, đọc đủ thứ. Cuối tuần không trực, niềm vui của mình là ăn một món ngon ngon và đọc một cuốn tiểu thuyết. Những tháng ngày lặp đi lặp lại đến mức chán chường ấy, đến một lúc sẽ thay đổi để bạn nhận ra giá trị của sự kiên trì. Nên thôi, chấp nhận nếu ai nói mình khó và cứ tiếp tục khó.

Có lẽ, mình không giống ai bởi mình có hoàn cảnh đặc biệt để mình hiểu được giá trị của sự kiên trì, đọc kha khá sách để mở rộng thế giới quan, và cũng chịu khó gặp nhiều người ở nhiều tầng lớp để thấy sự muôn màu của cuộc sống. Bấy nhiêu thứ giúp mình tự có suy nghĩ của riêng, trở thành một loại người không quan tâm tới tiêu chuẩn của xã hội, cũng không cần sự xác nhận của bất kỳ ai, cứ tự nhiên như cây cỏ gió trời vậy.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tự thuật

1993-2010: tuổi thơ dữ dội 1993: được ba mẹ đẻ ra đời 1998: leo cửa sổ té bị đinh đâm xuyên mép miệng, vẫn còn vết sẹo kỷ niệm 1999: đi học a bờ cờ ở trường làng, bị cô gõ đầu vì học ngày càng ngu 2000: lần đầu được lên hồ bơi, lộn qua hồ bơi người lớn suýt chết đuối, tới giờ vẫn không biết bơi 2001: lỡ tay ném đá trúng đầu bạn chảy máu thành dòng, bị cô cho một cái bợp tay, quất 5 roi, bắt quỳ 2003: đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh được giải Nhì, chị nói nhục 2004: đậu thủ khoa vô cấp 2, quyết tâm thành con ngoan trò giỏi 2006: ba ném cho cái ghế trúng đầu suýt mù, dắt mẹ chạy 2007: lại đi thi 3 môn, lại giải Nhì nhưng lần này không có ai giải Nhất 2008: đậu thủ khoa vô cấp 3 kèm lớp chuyên Lý, tự gom tiền mua cái máy vi tính tập đánh máy 2010: đi thi quốc gia cùng đàn anh mà vô tình được giải, thầy tưởng học giỏi 2011: khóc cười - tiếp tục bị gọi đi thi dù hết thích nhưng vô tình lại được giải Nhì, được miễn thi tốt nghiệp - ngồi viết đơn li dị cho ba mẹ, dắt mẹ vô Nam 2011-13-15: vô tr...

Cứ bình thường thôi?

Chiều tắt. Phía xa xa thành phố, những vệt cuối cùng loé lên sau cục mây đang ngượng ngùng ửng hồng. Con đường đen sẫm bỗng như dài ra hun hút trong gió chiều, thỉnh thoảng lại dấy lên những làn sóng đong đưa của hàng cây đứng đều tăm tắp, cùng một đoạn nhạc du dương văng vẳng.. lòng mình tự nhiên dịu đi không ít. Nhìn vạt nắng như nan quạt, mình trộm nhớ lại ngày nhỏ còn đứa cuốn chiếu, đứa ôm bóng, dắt nhau ra bãi cỏ nhỏ lọt thỏm trong lòng ngôi làng, để nằm đợi những vệt nắng hồng đầu tiên đâm lên từ hàng bạch đàn núp cuối cánh đồng. Ở đó, cơn gió buổi sớm còn mang theo hơi sương lành lạnh, mơn man vuốt ve khuôn mặt những đứa nhỏ lem luốc, vỗ về những ngày tháng êm đềm không dài, không ngắn. Cái đoạn này, nhạc vang lên: Nụ cười về trên nét môi, hạnh phúc tôi, một góc trời Rồi lớn rồi đi học rồi đi làm. Thời gian thoăn thoắt trôi đi, cuốn theo con người lao vào những mối lo ở đời để lâu lâu, nhìn lại, ngờ ngợ thấy rằng mình đã lớn chưa. Ở tuổi nửa già nửa trẻ, không phải quá long bon...

Hoa Mộc Lan

Viết tặng một người, đủ mạnh mẽ, đủ dịu dàng.  1.  29 Tết. Những ngày cuối năm đường vẫn đông, nắng lác đác mùi hanh hao, thỉnh thoảng lại tắt biến đâu mất sau mấy cục mây. Mấy ngày này cứ tưởng Saigon cũng có mùa thu. Trong ký ức của mình, mùa này ở quê là mùa của khô môi, của bầu trời xam xám, của những đốm trắng hoa sầu đâu lắc lư theo gió. Mình rất thích những ngày gần Tết ở làng, hớn hở chờ được nghỉ học, mong chờ những ngày vui hiếm hoi của năm. Khi những ông bà cụ ngồi mong chờ con cháu về, chắp tay đi quanh nhà, chốc chốc dừng lại nhìn ra ngõ. Những cô chú cũng bắt đầu bớt việc đồng, dành thời gian vun vén nhà cửa. Tụi con nít háo hức chờ quà anh chị đi xa đem về, chờ hàng quà ngày tết. Chợ quê tấp nập, thêm nhiều hoa trái. Người dân làng thường hỏi thăm nhau đã chuẩn bị được gì, kể nhau nghe những nỗi lo trước ngày đón năm mới.  Mùi ở quê thích hơn nhiều so với mùi khói bụi thị thành. Mình thường đạp xe vi vu những trưa đi học về, khi những ngày hiếm hoi trời đã ...