Tháng 12 về một cách âm thầm, thỉnh thoảng sững lại nhận ra vậy là sắp hết một năm nữa rồi. Thường, mình cũng như mọi người, đi làm đi học quần quật không có nhiều ý niệm về thời gian. Ngày cuối tuần rảnh rỗi, mình thích dọn dẹp và vun vén để nhìn mọi thứ có vẻ tươm tất nhất có thể, nó làm mình dễ chịu. Sắp xếp lại cái tủ sách cũng vậy, dù sách đọc rồi chẳng mấy cuốn đọc lại, nhưng giữ lại để khi dọn nó có thể nhắc nhở về nhiều chuyện vui buồn.
Hôm mình nói chuyện với B. về chuyện thất tình, mình buột miệng bảo cái buồn thất tình thường là buồn của người trẻ, buồn nghiệp dư, còn buồn thực là cái buồn đến mức không thể buồn được. Nói vậy cũng sai sai, nó chỉ là góc nhìn của mình.
Mình hay lấy cái đoạn này biện hộ cho sự thờ ơ với cuộc đời, “ở người nghèo, cái buồn thường phải sớm nhường chỗ cho cái lo. Ấy là cái lo không có gạo ăn, không có tiền mua thuốc cho một người mẹ ốm hay mua bát canh để cúng cha, không có áo cho thằng em trai vào vụ rét sắp tới này,… Những cái lo nhỏ nhặt, tủn mủn hơn thế nữa nhưng vẫn phải lo.”
Mình vẫn nhớ mùa đông rét căm, hai chị em lom khom đi học về mà mặt mẹ vui hơn hớn vì xin được một bọc áo quần cũ của bà dì, trong đó cái áo Martin (vì nó giống của nhân vật Martin trong phim Nhật ký Daniela). Mình còn nhớ những ngày mùa lũ về, ôm bụng đói meo run lẩy bẩy đi lùa bầy vịt con. Mình còn nhớ cảm giác ậm ờ khi bạn hỏi sao mắt sưng chù vù, vì đêm qua bị ba ném cho cái ghế. Còn nhiều thật nhiều chuyện không vui mà đến sau này khi biết nghĩ hơn, mình hay đạp xe ra đồng mỗi buổi chiều, ngồi tự hỏi vì sao đời lại nhọc nhằn thế. Rồi cánh đồng xanh chỉ im lặng với cơn gió đìu hiu an ủi.
Lên đại học, cuộc sống hết áp lực về tinh thần nhưng quay lại chuyện cơm áo. Một buổi chiều mình đi tình nguyện (chương trình Ước mơ của Thuý, đến giờ vẫn còn hoạt động), mình nói chuyện với một em bé ung thư máu đang vẽ tranh, nó yêu đời bất tử, mình ý niệm lại về cái khổ.
Một lần mình đi hội chẩn, em bé bị hội chứng thận hư, vô ra bệnh viện suốt, hội chẩn để loại trừ bụng ngoại khoa, nó nằm ôm bụng nắm tay mẹ, miệng liên tục “mẹ ơi con đau, mẹ ơi con đau quá mẹ ơi”. Mẹ nó thờ thẫn, ngồi im lặng.
Một lần mình vừa mổ xong lúc tờ mờ sáng, ra khỏi khuôn viên bệnh viện, ở mé bên có rất nhiều gia đình nằm tạm vì không có phòng và không có tiền, một em bé liệt chân và phù nằm vất vưởng, bảo mẹ ơi con đói, mẹ nó vừa khóc vừa la, nó bảo mẹ ơi đừng mắng con nữa mà.
Có những đứa nhỏ bị bỏ rơi trong bệnh viện, những đứa nhỏ phải mổ hơn chục lần, còn có đứa không dám khóc vì sợ mẹ buồn, có đứa còn biết an ủi con sẽ không sao, mẹ đừng buồn.. Nhất là ở khoa Ung thư, nó hãi đến nỗi đứa bạn mình nói đi xong ám ảnh không dám làm Nhi. Sau này hễ bạn mình than buồn vì thất tình, mình vẫn biểu nó vào mấy chỗ gặp tụi nó, để thấy rằng cái buồn khổ của mình sao mà nhỏ, sao mà vô duyên quá. Lúc còn học nội trú có một đứa em thân thiết nói rất thích mình vì thường những người bị quăng quật sẽ dễ hằn học với cuộc đời, còn mình thì không vậy, mình còn nhẹ nhàng với cuộc đời lắm. Chẳng quá là, mình tin rằng đời không cho ai tất cả cũng không lấy của ai điều gì, kẻ ăn mày lang bạt trả nợ để xã hội biết rằng có người cùng khổ.
Mình hay viết hay kể linh tinh nên hôm trước có bạn nói mình là người của ký ức, mình sửa lại là không phải ký ức mà là trải nghiệm, mình đo cuộc sống bằng trải nghiệm chứ không phải ngắn dài. Kỳ thực, chuyện vui buồn sẽ mãi tiếp diễn, mỗi người một trải nghiệm, một cách đối diện. Mình biết rằng tình yêu rất quan trọng, người ta vẫn miệt mài cả đời với chuyện yêu đương, lấy tình yêu nam nữ làm lẽ sống đó thôi. Y học cũng nói cái buồn khi thất tình và mất mát là cái đau thực, nó đập mạnh vào tinh thần và cơ thể vật lý, chứ không chỉ là cảm xúc mơ hồ. Nhưng cứ mở cửa ra đi, phố xá đông vui, còn nắng trên đồi.
Cứ khóc, cứ đớn đau, cứ dại khờ, nhưng đừng gục ngã. Mình vẫn thương mình trong những chiều mùa đông bơ vơ trên cánh đồng, vẫn thấy vui vì đời cho ta thế.