Chuyển đến nội dung chính

Mùa covid năm ấy

Cách ly ở nhà. 
Mỗi sáng, mỗi người đều đứng trước cửa nhà, bịt khẩu trang, nhìn nhau, như chờ cái gì đó mà ai cũng biết nó không tới. Chiều nay xuống nhà thấy bên kia có một bác bịt khẩu trang đứng nhìn ra ngoài qua tấm mành sắt, mình thấy mỗi hai con mắt buồn thiu. Nó gợi cho mình tới những cảnh thời chiến, trong những cuốn sách mình đọc. Mà chẳng hiểu sao mình lại nghĩ tới Cánh đồng chết. Mình không biết nó hay ho gì mà mọi người thích hô khẩu hiệu như vậy, dù ví von thì mình cũng không thích.
Bữa nay có nhiều tin không vui. Và con người lại tiếp tục lảm nhảm câu đời vô thường rồi khi nó xảy đến thì vẫn cứ bàng hoàng, vẫn cứ hụt hẩng. Ai cũng bon chen giữa phố thị, tranh với người với đời, cái guồng xoáy đó khó mà tránh được. Nhưng cái thái độ đứng trong cơn xoáy có thể khác nhau, và có thể chọn. Xui xui thì đến lúc nằm xuống, ngoái nhìn những ngày tháng nhọc nhằn đó, mình lại phải thở dài, ồ, sao mà vô nghĩa.
Đứng trước ranh giới sinh tử thì tự nhiên sẽ ngẫm ra nhiều điều. Còn trẻ mà nói ba chuyện chết chóc để lựa chọn lối sống bình bình thì nghe hèn quá, nhưng không nghĩ tới nó thì lại khó gây dựng được bản lĩnh cần phải có giữa cuộc đời đầy bất trắc. Thì tóm lại cái lẽ phải mà mình thấy nên theo, là giữ cái gì cũng ở mức trung dung. Gần đây nhiều bạn mình mất người thân, có người đã được chuẩn bị tâm lý, có người chưa. Một ngày bạn bước chân ra khỏi nhà có thể chẳng bao giờ về nữa, lỡ mà vậy, có tiếc gì không?
Đã hỏi một vài lần, nếu ngày mai bạn chết thì hôm nay làm gì đây? Không phải còn trẻ, hai tư hai lăm hai bảy hay ba mươi tuổi, thì nghĩ vậy để mà bi quan. Nghĩ chỉ để mà nghĩ, một cái ý niệm nho nhỏ nhưng đã nằm ở đó rồi, để ngày ngày nghĩ thì có cái gì đó nhen nhói lên trong tâm cảm, để lúc nhọc lòng cũng không lạc lõng. Để biết sống cũng để mà sống vậy thôi.

--
Ngày mình lọt ra khỏi khu điều trị, vừa vui mà cũng buồn buồn sao đó. 
Saigon bắt đầu tấp nập, lâu lâu lội ra đường thấy cũng vui. Không khí ngột ngạt theo những cơn mưa rào dội xuống vội vã rồi trôi đi, gió mát hơn một chút, đường phố cũng hớn hở ra thấy rõ. Mình lon ton trên chiếc xe lạch bạch đi ngoáy mũi, đều đặn nghiêm túc hết sức.
Qua một đợt kinh hoàng, ai cũng nhận ra cái lằn ranh sinh tử coi vậy mà quá mong manh. Ai cũng sợ, nhưng rồi một ngày nhận ra dăm ba người trong vòng quan hệ xung quanh mình, vậy mà đã đi qua thế giới bên kia trong hụt hẫng, rồi bàng hoàng nhận ra dịch cũng không xa mình lắm. Lúc cao điểm, cứ vài ngày, có người gọi hỏi giờ đang khó thở đi cấp cứu ở đâu, ít phút sau lại báo mất rồi, mất ở nhà, đi không kịp. Hết thở dài, rồi thở dài.
Những con số thống kê thì cũng là con số vô hồn. Chỉ khi một ai ngay bên cạnh đùng cái đi luôn, thì những con số đó, tự nhiên quá nặng. Hệ luỵ thì tới đâu còn chưa biết, cảnh đau lòng thì quá nhiều. Mình có thấy cái đoạn clip người dân đập vào đầu nhân viên y tế mà nặng lòng, ai cũng khổ, rồi hai cái khổ nhè đầu nhau mà xả rồi chẳng được gì. Mình nghĩ, những ai mà cả gia đình vẫn bình an qua mùa dịch thì hẳn phải biết ơn nhiều lắm. Cũng đừng rêu rao chia sẻ những thông điệp tích cực làm gì, vì nỗi đau những người cùng khổ còn lớn, còn dài lắm. 
Lúc đi chống dịch mình cũng lơ ngơ như đồng nghiệp, vì biết cầm dao chớ không biết covid. Ai cũng biết sự quá tải đè lên ngành y tế mà chỉ khi trong cuộc mới thấy cái gánh nặng. Chị đồng nghiệp than là cảm giác đi chống dịch quá stress bởi vì mình học bơi học lặn xong đùng cái được thả xuống sa mạc để băng qua. Chuyên môn gì cũng không quan trọng mà cứ trong ngành là đi. Chưa kể, lời nghe nói nhiều nhất khi mình đi chống dịch là ‘tao chưa thấy cái bệnh nào như vậy’, bởi bệnh này thấy… ghê thiệt. 
Mình chẳng biết vĩ mô nó như nào nên không dám ý kiến, nhưng thấy lệnh trên ban xuống mà nhiều khi cũng phì cười. Cũng đã có và sẽ có những người xấu nết trục lợi, nhiều khi nghĩ cũng tức nhưng vốn dĩ con người vẫn cứ là con người. Trong khi có thể tung hô những tấm lòng đẹp, thì mình cũng đừng nên chửi bới xỉ vả ai làm chi. Mình nghĩ vậy, là tốt, nhưng lâu lâu mình cũng chửi như thường, vì mình cũng là con người.
Dịch đang lắng lại một chút, và cầu mong cho nó lắng luôn. Sự căng thẳng vẫn còn ở những người tuyến đầu nhưng có vẻ đằm hơn một chút. Rồi đâu sẽ lại về đấy. Saigon lại có ngày về lại như ngày xưa cũ, sẽ nhộn nhịp đông vui và chan chứa tình người. Những mất mát rồi sẽ dịu xuống. Những gì đẹp lại đẹp. Bà chị bảo bác sĩ mùa này sướng, chẳng làm gì cũng được thương. Mình cười he he bảo thì đúng, qua mùa dịch đã, thỉnh thoảng lên báo lại thấy bác sĩ bị hành hung, rồi đâu sẽ lại về đấy.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tự thuật

1993-2010: tuổi thơ dữ dội 1993: được ba mẹ đẻ ra đời 1998: leo cửa sổ té bị đinh đâm xuyên mép miệng, vẫn còn vết sẹo kỷ niệm 1999: đi học a bờ cờ ở trường làng, bị cô gõ đầu vì học ngày càng ngu 2000: lần đầu được lên hồ bơi, lộn qua hồ bơi người lớn suýt chết đuối, tới giờ vẫn không biết bơi 2001: lỡ tay ném đá trúng đầu bạn chảy máu thành dòng, bị cô cho một cái bợp tay, quất 5 roi, bắt quỳ 2003: đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh được giải Nhì, chị nói nhục 2004: đậu thủ khoa vô cấp 2, quyết tâm thành con ngoan trò giỏi 2006: ba ném cho cái ghế trúng đầu suýt mù, dắt mẹ chạy 2007: lại đi thi 3 môn, lại giải Nhì nhưng lần này không có ai giải Nhất 2008: đậu thủ khoa vô cấp 3 kèm lớp chuyên Lý, tự gom tiền mua cái máy vi tính tập đánh máy 2010: đi thi quốc gia cùng đàn anh mà vô tình được giải, thầy tưởng học giỏi 2011: khóc cười - tiếp tục bị gọi đi thi dù hết thích nhưng vô tình lại được giải Nhì, được miễn thi tốt nghiệp - ngồi viết đơn li dị cho ba mẹ, dắt mẹ vô Nam 2011-13-15: vô tr...

Cứ bình thường thôi?

Chiều tắt. Phía xa xa thành phố, những vệt cuối cùng loé lên sau cục mây đang ngượng ngùng ửng hồng. Con đường đen sẫm bỗng như dài ra hun hút trong gió chiều, thỉnh thoảng lại dấy lên những làn sóng đong đưa của hàng cây đứng đều tăm tắp, cùng một đoạn nhạc du dương văng vẳng.. lòng mình tự nhiên dịu đi không ít. Nhìn vạt nắng như nan quạt, mình trộm nhớ lại ngày nhỏ còn đứa cuốn chiếu, đứa ôm bóng, dắt nhau ra bãi cỏ nhỏ lọt thỏm trong lòng ngôi làng, để nằm đợi những vệt nắng hồng đầu tiên đâm lên từ hàng bạch đàn núp cuối cánh đồng. Ở đó, cơn gió buổi sớm còn mang theo hơi sương lành lạnh, mơn man vuốt ve khuôn mặt những đứa nhỏ lem luốc, vỗ về những ngày tháng êm đềm không dài, không ngắn. Cái đoạn này, nhạc vang lên: Nụ cười về trên nét môi, hạnh phúc tôi, một góc trời Rồi lớn rồi đi học rồi đi làm. Thời gian thoăn thoắt trôi đi, cuốn theo con người lao vào những mối lo ở đời để lâu lâu, nhìn lại, ngờ ngợ thấy rằng mình đã lớn chưa. Ở tuổi nửa già nửa trẻ, không phải quá long bon...

Hoa Mộc Lan

Viết tặng một người, đủ mạnh mẽ, đủ dịu dàng.  1.  29 Tết. Những ngày cuối năm đường vẫn đông, nắng lác đác mùi hanh hao, thỉnh thoảng lại tắt biến đâu mất sau mấy cục mây. Mấy ngày này cứ tưởng Saigon cũng có mùa thu. Trong ký ức của mình, mùa này ở quê là mùa của khô môi, của bầu trời xam xám, của những đốm trắng hoa sầu đâu lắc lư theo gió. Mình rất thích những ngày gần Tết ở làng, hớn hở chờ được nghỉ học, mong chờ những ngày vui hiếm hoi của năm. Khi những ông bà cụ ngồi mong chờ con cháu về, chắp tay đi quanh nhà, chốc chốc dừng lại nhìn ra ngõ. Những cô chú cũng bắt đầu bớt việc đồng, dành thời gian vun vén nhà cửa. Tụi con nít háo hức chờ quà anh chị đi xa đem về, chờ hàng quà ngày tết. Chợ quê tấp nập, thêm nhiều hoa trái. Người dân làng thường hỏi thăm nhau đã chuẩn bị được gì, kể nhau nghe những nỗi lo trước ngày đón năm mới.  Mùi ở quê thích hơn nhiều so với mùi khói bụi thị thành. Mình thường đạp xe vi vu những trưa đi học về, khi những ngày hiếm hoi trời đã ...