Chuyển đến nội dung chính

Đường chiều gió lộng

Con đường bò dọc một bên dãy đồi rồi đâm xuyên vào những tán cây dại lụp xụp mất hút. Nắng nhạt những ngày giáp Tết giữa bầu trời lờn lợt đắp chăn mây suốt mấy ngày qua. Mình men theo con đường mòn đất sỏi lấm bùn lầy, nửa nhớ nửa quên, lên khu mộ nhà trên những quả đồi ngoại ô. 
Mỗi lần đi, mình lại sờ sợ khi qua đoạn đường hẹp bên con đập. Mấy năm trước cô mình bị tai nạn ở đó. Rồi mỗi lần đi qua ai cũng lắc đầu bảo chỗ ấy dễ tai nạn, ngay sát chân con dốc, hàng rào ngăn hết con đường chừa lại hẻm nhỏ vừa khít cho người đi bộ, không thắng kịp thì đâm thẳng hàng rào, chết ráo. Đồn lớn ra, năm sau người ta bỏ hàng rào chắn để lộ ra con đường lớn, chẳng hiểu chắn làm gì, người thì cũng đã đi. Tin cô gặp tai nạn về đột ngột một chiều gần Tết, đến tối thì cô đi. Nhà tiếc, đi coi thầy (ở làng cái gì cũng coi thầy) bảo là số cô vốn là phải chết trẻ từ lâu chứ đến được giờ là vì gánh nặng con cái. Chẳng biết đúng sai, được cái an ủi lòng người ở lại. Thôi thế cũng xong một kiếp người, chẳng phải câu hát vẫn vang lại âm ỉ từ đâu đó, tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người. 
Nhìn về phía bên kia con đập, bờ nước phẳng lặng lan rộng ra như một mặt gương khổng lồ phản chiếu bầu trời xanh thẳm. Những hàng cây xếp đôi bằng phẳng thật đẹp, cái gì đối xứng cũng đẹp. Bên mạn trái là một quả đồi, nối tiếp những quả đồi nhấp nhô khác, ở đó họ xây một thành phố nghĩa trang, vừa đẹp vừa thiêng. Mỗi dịp đi ngang mình đều ngắm nhìn mặt nước phẳng lặng đó rất lâu, lòng trống rỗng, để chỗ cho những suy tưởng miên man giữa hai miền sống chết, mình không bắt kịp, cũng chẳng thể nào cắt nghĩa được những dòng suy nghĩ đó. Rồi lại đi, để lại đó một phần tâm linh như thấm vào hồn đất, hồn quê. 
Dọc hai bên đường mòn có lác đác người đi tảo mộ. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng thở dài, tiếng khóc rưng rức, hoặc tiếng chửi tục tổ cha thằng nào lùa trâu qua mồ nhà ông, khốn nạn thân tôi... Mùi nhang trầm thoang thoảng, quện với mùi gió heo may mang theo hương đồi núi. Khu mộ nằm cuối một con đường mòn, không có người thân dẫn đường thì mình cũng lộn vài vòng mới đến được. Lâu không người tới, cỏ dại mọc đầy nhan nhản, cả những khóm hoa dại chẳng thể nào biết tên vừa nở rộ sau cơn mưa mấy ngày trước. Trời nắng nhợt nhạt, không nồng nực khó chịu như mùa hè, chỉ làm những bãi cỏ đồi thêm bóng loáng, gợn sóng lăn tăn nhờ sương muối chưa khô.


Vài năm trước, khi những biến cố đến liên miên, cũng một chiều trên quả đồi này, nhìn sự hoang vắng tiêu điều, lần đầu mình cất tiếng than mệt. Cuộc sống dằn vặt thế, thiếu cơm vá áo chưa xong, rồi phải chạy theo giấc mơ của người khác, đến lúc chùn gối về ngồi bên dãy đồi u uẩn, hồn mình như ngôi nhà tan hoang, không tường không vách. Chết thì quá khỏe, nhưng mà hèn. Mắt mẹ ánh lên nỗi buồn, mẹ bảo hồi xưa mẹ đẹp, mình tin là vậy. Mấy chục năm còm lưng gánh số phận, giờ còn lại những đường nét nghiệt ngã gợi thêm nỗi buồn. Xuân sắc đã qua rồi. Không để làm gì. Chẳng để cho ai. 
Mình nhổ bớt cỏ gai bám trên mộ, thắp nhang rồi đốt vàng mã. Gió thốc lên làm khói bay mù mịt, cay xè. Lát có ông cụ cuối xóm cũng lên thắp nhang, thằng con út chở lên. Ông kể nhà ông, thằng lớn bỏ vô nam làm mướn rồi chẳng thèm về, con gái đi lấy chồng tận đâu, không biết có ra gì không. Còn mỗi thằng út chẳng học hành gì, được cái chăm làm cũng đủ cơm ba bữa, sanh được mụn cháu giúp ông biết hưởng chút tuổi già. Vợ mất sớm, cả đời bám đít con trâu làm xong bổn phận con người đến khi nhìn lại thì đầu bạc trắng. Ông hỏi mày cũng về ăn tết giỏi quá, tưởng đi luôn. Mình cười hề hề chẳng nói gì. Đoạn ông buông người ngồi xuống đống đá vụn, sờ râu lún phún thở dài bảo mỗi cây mỗi hoa, chẳng biết nói cho mình hay cho chính ông. Mình cũng nhìn bâng quơ rồi chìm vào những tháng ngày quá vãng. Cái quá vãng của mỗi con người từng trải nghiệm hoặc liên đới với nó bởi một sợi dây thấm sâu của máu huyết và nòi giống. Bên kia đồi có một rặng thông nho nhỏ, hồi nhỏ lần đầu lên đây, cậu mình đã chỉ vào đó kể rằng chỉ có thông cao vút khẳng khiu, vi vu đón gió khắp miền, là hiểu chuyện đất người nơi đây… 
Đường về trở lạnh, trời vẫn quang. Phố đã vãn người, không khí đón Tết đã men mén đến đây. Thỉnh thoảng gặp những cặp đôi rạng ngời đi mua sắm, những gốc mai chớm nụ lắt lẻo sau xe, những hàng quà xanh đỏ chẳng mấy khi được ngó ngàng, giờ lại tấp nập về những tổ ấm riêng. Ở đó, nhà người đã xoay xỏa đãi gạo, đãi đỗ, pha thịt, róc lá gói bánh chưng. Nồi bánh nồng lên trong những đêm chờ, má đỏ hây hây trên mặt lũ trẻ, những vết chân chim rạng ngời niềm vui của người già đón con cháu trở về. Ngoài đường hun hút gió, thỉnh thoảng cuộn lên những đám lá khô cuối mùa chưa kịp tan vào đất, không gian trở màu đìu hiu cô quạnh, mình về. 

Nắng chiều hanh hao nhuộm những con đường, mình vẫn lang thang trong mộng mị, kiếm tìm những niềm an ủi mờ ảo của ngày xưa. Giữa bụi mây và gốc khế, mình ngồi thu lu trong bóng râm, nhìn đám chuồn chuồn bay lãng đãng, chốc chốc lại đậu trên những đọt cây xanh mướt. Mùi khói rạ hăng hắc xen mùi cá nướng thơm lừng, mùi gai bồ kết cháy lẫn trong những đống trấu ẩm, mùi phân trâu tươi hăng xè, mùi ổi chín trong các khu vườn ấm nóng. Tất cả hòa trộn với nhau, mỗi lúc một nhạt, theo những ráng mây chiều hôm. Ngọn tre cuối làng lại rì rào đong đưa, dâng lên bản tình ca du dương và tĩnh lặng, giai điệu ấy không đổi thay theo năm tháng, không xáo trộn vẩn đục bụi trần gian, giai điệu của riêng những vùng quê an nhiên, nơi mọi giông tố chỉ khuấy động các lớp nước, xáo trộn bùn nhơ và bèo bọt trong chốc lát, để cuối cùng còn lại mảnh đầm xưa cũ với tiếng ếch nhái vang vọng trong bóng chiều, tiếng chân trâu va sỏi lộp cộp buổi rạng đông, nghe tia nắng tươi vui sau đọt tre làng, nghe thóc lúa cựa mình thức dậy đón bình minh.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tự thuật

1993-2010: tuổi thơ dữ dội 1993: được ba mẹ đẻ ra đời 1998: leo cửa sổ té bị đinh đâm xuyên mép miệng, vẫn còn vết sẹo kỷ niệm 1999: đi học a bờ cờ ở trường làng, bị cô gõ đầu vì học ngày càng ngu 2000: lần đầu được lên hồ bơi, lộn qua hồ bơi người lớn suýt chết đuối, tới giờ vẫn không biết bơi 2001: lỡ tay ném đá trúng đầu bạn chảy máu thành dòng, bị cô cho một cái bợp tay, quất 5 roi, bắt quỳ 2003: đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh được giải Nhì, chị nói nhục 2004: đậu thủ khoa vô cấp 2, quyết tâm thành con ngoan trò giỏi 2006: ba ném cho cái ghế trúng đầu suýt mù, dắt mẹ chạy 2007: lại đi thi 3 môn, lại giải Nhì nhưng lần này không có ai giải Nhất 2008: đậu thủ khoa vô cấp 3 kèm lớp chuyên Lý, tự gom tiền mua cái máy vi tính tập đánh máy 2010: đi thi quốc gia cùng đàn anh mà vô tình được giải, thầy tưởng học giỏi 2011: khóc cười - tiếp tục bị gọi đi thi dù hết thích nhưng vô tình lại được giải Nhì, được miễn thi tốt nghiệp - ngồi viết đơn li dị cho ba mẹ, dắt mẹ vô Nam 2011-13-15: vô tr...

Cứ bình thường thôi?

Chiều tắt. Phía xa xa thành phố, những vệt cuối cùng loé lên sau cục mây đang ngượng ngùng ửng hồng. Con đường đen sẫm bỗng như dài ra hun hút trong gió chiều, thỉnh thoảng lại dấy lên những làn sóng đong đưa của hàng cây đứng đều tăm tắp, cùng một đoạn nhạc du dương văng vẳng.. lòng mình tự nhiên dịu đi không ít. Nhìn vạt nắng như nan quạt, mình trộm nhớ lại ngày nhỏ còn đứa cuốn chiếu, đứa ôm bóng, dắt nhau ra bãi cỏ nhỏ lọt thỏm trong lòng ngôi làng, để nằm đợi những vệt nắng hồng đầu tiên đâm lên từ hàng bạch đàn núp cuối cánh đồng. Ở đó, cơn gió buổi sớm còn mang theo hơi sương lành lạnh, mơn man vuốt ve khuôn mặt những đứa nhỏ lem luốc, vỗ về những ngày tháng êm đềm không dài, không ngắn. Cái đoạn này, nhạc vang lên: Nụ cười về trên nét môi, hạnh phúc tôi, một góc trời Rồi lớn rồi đi học rồi đi làm. Thời gian thoăn thoắt trôi đi, cuốn theo con người lao vào những mối lo ở đời để lâu lâu, nhìn lại, ngờ ngợ thấy rằng mình đã lớn chưa. Ở tuổi nửa già nửa trẻ, không phải quá long bon...

Hoa Mộc Lan

Viết tặng một người, đủ mạnh mẽ, đủ dịu dàng.  1.  29 Tết. Những ngày cuối năm đường vẫn đông, nắng lác đác mùi hanh hao, thỉnh thoảng lại tắt biến đâu mất sau mấy cục mây. Mấy ngày này cứ tưởng Saigon cũng có mùa thu. Trong ký ức của mình, mùa này ở quê là mùa của khô môi, của bầu trời xam xám, của những đốm trắng hoa sầu đâu lắc lư theo gió. Mình rất thích những ngày gần Tết ở làng, hớn hở chờ được nghỉ học, mong chờ những ngày vui hiếm hoi của năm. Khi những ông bà cụ ngồi mong chờ con cháu về, chắp tay đi quanh nhà, chốc chốc dừng lại nhìn ra ngõ. Những cô chú cũng bắt đầu bớt việc đồng, dành thời gian vun vén nhà cửa. Tụi con nít háo hức chờ quà anh chị đi xa đem về, chờ hàng quà ngày tết. Chợ quê tấp nập, thêm nhiều hoa trái. Người dân làng thường hỏi thăm nhau đã chuẩn bị được gì, kể nhau nghe những nỗi lo trước ngày đón năm mới.  Mùi ở quê thích hơn nhiều so với mùi khói bụi thị thành. Mình thường đạp xe vi vu những trưa đi học về, khi những ngày hiếm hoi trời đã ...