Một chuyện nho nhỏ về
tình người, tôi không nhớ rõ lắm, không biết rõ lắm về nhân vật hư ảo này. Tôi
chỉ là người kể lại, cho những ai muốn nghe thôi. Nghe thôi tức là nghe rồi thì
thôi, rồi quên...
Tình người là ai? Lớn hay
nhỏ, từ đâu đến? Không ai biết, tôi cũng không biết, nhưng tôi thấy nó cũng lâu
lắm rồi, nhất là từ dạo tôi hay bắc cái ghế ngồi đọc sách trước thềm nhà trọ mỗi
buổi chiều. Tôi đồ là nó cũng còn trẻ lắm, thằng tình người ấy, trạc tuổi tôi
chớ cũng không hơn. Chỉ là khuôn mặt nó hằn in nét khắc khổ của một quãng đời bị
cõi người hắt hủi. Cuộc sống hiện đại vốn đã mang nhiều nhọc nhằn, sống cho
mình và cho gia đình là quá mệt mỏi, ai thừa sức mà vác thêm cái của nợ như nó.
Tôi là đứa vô tư vô tâm,
nên không mấy khi tôi để ý cái sự xoay vần của xã hội, dẫu nó có đẹp lên hay là
xấu đi chăng nữa. Bởi vậy, tôi cứ ngờ ngợ, cứ là lạ khi biết mình hay nhìn nó, thằng tình người ấy. Buổi chiều trên đường về nhà, tôi nhác thấy bóng dáng nó
đang vật vờ đi qua ngõ. Trước khi mở cửa chui vô nhà, tôi ngoái lại nhìn. Nó thấy
tôi đó nhưng cũng không dừng lại, nó cứ đi chậm rãi vật vờ rồi mất hút sau những
dãy nhà. Mà nó có thấy tôi trong mắt nó không thì tôi cũng không chắc, vì
nom nó thờ ơ tợn. Cứ ngỡ vậy rồi thôi, nó đi luôn, nhưng có lẽ cái chốn này có những thứ nó
cần hoặc chỉ đơn giản là nó thích, nên mấy hôm sau tôi thấy nó hoài. Ngay mé
bên con hẻm nhà tôi. Tôi hay nhìn nó, nó thì thường cúi đầu lặng lẽ chẳng mấy
khi nhìn ai. Tình người mà, không thèm ai hết.
Nhưng thằng tình người có
một đôi mắt rất lạ, đen lùi lũi mà vẫn sáng, sáng quắc nhưng lại u uẩn buồn.
Tóc nó dài ngoằng và bết lại từng lọn cứng đơ, gió thổi không bay, nắng đốt
vàng hoe, nhìn thôi cũng thấy ngứa, nhưng dĩ nhiên nó không thấy ngứa. Đôi tay
khẳng khiu què quặt, treo lên hai vai nó lủng lẳng như cho có vậy thôi. Nó
khoác lên mình một bộ quần áo không màu, có màu nhưng tôi không gọi được tên
màu đó, rộng xuề xòa, rách vài chỗ, không ai vá. Thì đúng là tơi tả lắm, hay tại bây giờ ít người để tâm tới tình người quá? Nhưng dĩ nhiên là nó không
quan tâm về điều đó. Chuyện nó quan tâm, là đi, đi đến nơi đâu nó sống được.
Rồi nó đi. Tình người đã lang thang
như vậy, từ lâu lắm rồi, nhìn vẻ ngoài của nó tôi đoán vậy. Nó đi đâu? Chốn giàu có cao sang, tôi đoán tiếp, nơi phù hoa đô hội, thừa mọi thứ và con người bận rộn đến quên thời gian, ưa phù phiếm, ở đó thì nó mới dễ sống
chớ? Duy có điều lạ mà mãi sau này tôi mới biết, nó không mấy khi đến những chốn
ấy, họ không thích nó làm vấy bẩn quần áo lụa là của họ, con đường của họ, ngôi
nhà của họ. Họ sợ nó làm mất đi danh dự của họ. Danh dự hay là danh vọng, tôi
trộm nghĩ? Bởi vậy, nó lại hay lang thang trong những khu nhà lụp xụp, bụi bặm
như cái xóm tôi vậy.
Xóm tôi thì phần lớn người
nghèo. Những mảnh đời rách nát như bươm vì chật vật mưu sinh, tụ về đây làm nên
một bức tranh chắp vá. Nhìn đám trẻ con là đoán được ngay, chúng nó nheo nhóc,
áo quần thùng thình (đồ cũ), tóc tai bờm xờm, mặt loang lỗ bởi bụi đất, bởi
làm biếng rửa mặt, bởi nước mũi chảy lòng thòng rồi đưa tay quẹt ngang lên má.
May chúng vẫn được đi học. Tôi thấy lạ, bởi cái xóm này nhìn qua nhìn lại cũng
chỉ thấy tiêu điều, người nghèo mà làm sao có thể bao dung cho nó, cho thằng
tình người ấy. Nhưng mà nó vẫn sống, dù có phần leo lét như ngọn đèn trước gió
đông.
Ban ngày ai cũng đi làm,
cả xóm vắng tênh, nó cũng đi mất hút. Đến chiều, tôi lại thấy nó ngồi đó một đống, bên con hẻm, sau một ngày mệt nhoài giữa dòng người hoang hoải. Nó đưa mắt nhìn quanh quanh
mà xa xăm tợn. Ở đây, xóm tôi ấy, thường có những cụ già chắc đã nhiều tuổi lắm -
tôi đoán vì tóc họ trắng như bông - bắc ghế ngồi trước cửa nhà hóng gió. Tôi thấy
hay nên bắt chước, dù tóc tôi đen, nhưng tôi cũng thích hóng gió, tay cầm thêm
cuốn truyện là có ngay một bữa chiều liu riu. Từ ngày có thêm nó, con hẻm cũng
chất vừa đầy những kẻ vô tâm vô tư ngồi hóng gió mỗi chiều, im ru nhìn nhau,
không nói năng, chỉ hóng gió. Tôi thì hay sợ mấy cụ trúng gió, gió mạnh quá
mà, thì con hẻm lại vắng, lại tiêu điều thêm.
Mỗi khi nắng tắt, bọn trẻ
con kéo ra đường chơi đùa đủ món, từ ném lon đến lăm mười, từ cầu lông đến đá
bóng, thậm chí còn lê lết chơi ô quan hay banh đũa ngay giữa đường. Xóm nghèo
nên không có máy vi tính, không có game, thành ra tụi nó chơi mấy trò ‘ngày xửa
ngày xưa’ không hà. Thỉnh thoảng có chiến sự xảy ra vì bất đồng quan điểm, cả
đám chia phe gân cổ cãi nhau, mặt phừng phừng như Trương Phi. Mỗi lần vậy, thằng
tình người lại vật vờ quanh đó, huơ tay ú ớ cười khùng khục. Tôi quên kể, hình
như nó câm, hình như nó điếc nữa. Tôi chưa nghe nó lên tiếng với ai bao giờ.
Nhiều lần, bà cụ sống một mình trong xóm dắt nó lại nhà để cho bữa ăn đỡ cô quạnh,
xong lại cho nó những món lặt vặt của chồng bà để lại. Mắt nó lom lom nhìn những
kỷ niệm trên tay vừa được nhận, rồi nó cười. Nó cười cũng ngờ nghệch, ú ớ. Tôi không
biết nó dùng những thứ vụn vặt ấy để làm gì, nhưng tự nhiên tôi thấy vui. Vui ngờ ngệch, như nó.
Nó đã đến xóm này như thế,
thằng tình người ấy, nó đã đến tự nhiên như thế. Nhưng nó đền trần gian để làm gì? Cái này tôi không đoán
ra được. Cái xóm nghèo nho nhỏ chứa nó, và tôi đồ là nó sống tốt. Nhưng nó có
thấy tốt thiệt không thì tôi không biết. Duy có điều tôi biết là từ ngày ông trời
run rẩy đẩy nó vào chốn này, nó bám rễ vào đất, vào bờ tường con hẻm, vào lòng
con người vốn đang sống lay lắt quanh đây. Nó ở đó, thật lâu.
Rồi một sớm trời se se lạnh,
sương đổ phơi phơi như dấu vết sót lại của cơn mưa rào đêm trước. Trời trong và
xanh thẳm. Bên góc đường, một đám người tụ lại nhỏ to. Tôi tò mò ghé lại thì bần
thần nhận ra nó đang nằm đó, tình người ấy, nó nằm đó, êm ru không một tia sống
nào le lói nữa. Vậy là nó đi rồi, trọn một kiếp lưu đày kết thúc sau một đêm
bão giông bất chợt kéo đến, ngọn đèn tình người tắt lịm.
Tiếng ai đó xuýt xoa
“Khuya hôm qua chứ đâu. Thôi cũng để nó đi cho khỏe, làm ăn mày thì có vui gì”.
Nhưng hình như, tôi thoáng thấy miệng nó mỉm cười.
Thời gian trôi, tôi vẫn
là đứa vô tâm vô tư. Thỉnh thoảng bắt gặp những người ăn mày co ro dưới mái che
bên đường trốn những cơn mưa, tôi lại nhớ đến nó. Tôi không biết tên thật, nên
cứ gọi nó là tình người – thứ kỳ lạ đã nuôi nó sống. Mà mỗi lần nhớ, tôi vẫn
thường tự hỏi, nó đến trần gian làm gì?