Chuyển đến nội dung chính

Tha hương

Cũng lâu lắm rồi mới thong thả ngồi pha ấm trà, ngóc đầu nhìn qua cửa sổ ngắm phố xá đèn màu hoa lệ. Tới bữa nay thì bạn bè gần như đổ xô về quê hết, mình còn lang bạt ở chốn lắm người này. Thỉnh thoảng có cơn gió lùa vào thủ thỉ cho thằng xa nhà nhớ ngẩn ngơ. Thời gian trôi nhanh hơn tên lửa, thoáng cái mình đã ở thành phố được 5 năm, mọi năm đều về quê ăn Tết. Mỗi năm nay không biết có gì thay đổi mà tự nhiên muốn ở lại. 

Tối xách xe chạy lung tung. Đi ngang khu đông người thấy cái mùi khắm của chợ trời bốc lên, ấy là mùi trái cây, mùi hoa lẫn chút mùi rác quyện vào nhau, theo gió xộc vào mũi. Vài chiếc xe chở những chậu mai chạy rề rề qua đám người tấp nập, bác lơ hò hét mở đường, mấy nụ mai vàng hãy còn chúm chím e lệ chỉ chờ đến dịp là bung hết cánh cho miệng đời trầm trồ. Có gia đình rủ nhau tìm mua lá chuối, lạt buộc rồi háo hức chất lên xe về nhà, chuẩn bị cho nồi bánh đêm giao thừa. Mình bất giác nhận ra đã là 23 tháng chạp, người ta bắt đầu nôn nao đếm từng ngày đón năm mới. Tự nhiên lại nhớ miên man về Tết. 

Những ngày còn nhỏ, độ gần Tết là nhà nào cũng tấp nập chuẩn bị, quan trọng nhất phải để dành được con gà bày cúng đêm 30 cùng với vài nải chuối thờ ông bà. Nhà khá hơn thì kiếm được bình rượu quý, hộp bánh đắt tiền hay thêm vài món hoa trái chưng bàn thờ. Người có thể thiếu thốn chứ mỗi năm mới rước ông bà về với con cháu, bất có sơ sài được. Cứ nhà nào được người đi chúc Tết khen bàn thờ nom đẹp đẽ sáng sủa là nhà đó lấy làm mừng ra mặt. 
 
Ở quê mình, Tết hay đúng dịp mùa lạnh, có khi còn đúng mùa bão. Những năm bão lớn thì kiếm được nải chuối ưng ý cũng đến chảy nước mắt. Mình nhớ có năm bão to, nhà cửa ruộng vườn tan tác, cả làng không nhà ai còn được nguyên buồng chuối, chợ cũng không. Đến tận chiều 30 có cô chạy ra tít chợ huyện mua được nải chuối giá tận năm trăm ngàn, cười chua chát. Thời đó tính ra thì nải chuối này bằng cả chiếc xe đạp, tính ra lúa thì càng chát chúa hơn, hẳn là ông bà cũng nở mặt vì con cháu lắm. Lúc ấy mình còn nhỏ chưa hiểu gì nhiều, nhưng nghe nải chuối giá cắt cổ cũng lè lưỡi kêu khổ thế. 

Con gà cúng đêm 30 thì còn nhọc nhằn nữa. Nhà nào nuôi gà hay thì đúng Tết nó vừa dịp lớn phổng phao, coi như có phúc. Nhà nào èo uột thì đến khổ, mua sớm không ai bán, mua trễ thì giá cũng bằng thêm chiếc xe nữa chứ chẳng chơi. Mà đâu phải cứ có tiền là mua được, người bán còn ỏng eo bảo nể mới bán cho. Mình nhớ đúng cái năm cúm gia cầm, hỏi mẹ không ăn thịt gà thì cúng con gì? Ít sau thấy người ta vẫn bắt gà thịt như thường, ăn như thường mà cũng không ai bị cúm. Hên thế. 

Miền Trung đổ vào nam thì ưa bánh tét hơn bánh chưng. Nhà mình chẳng có ai biết gói bánh tét, toàn đặt nhờ người ta gói không thì mua hẳn về thờ. Nhà nội ngoại thì có. Có lần chạy ra nhà bà nội chiều 30 ngồi coi gói bánh, mình nhìn mê mẩn dù có nhiêu đó động tác cứ làm hoài, chẳng hiểu vì sao. Mà sau này cũng nhận ra là mình thích nhìn người ta làm đồ thủ công, lặp đi lặp lại đến nhàm chán nhưng mình cứ thích ngắm. 

Gạo nếp được buốt sạch đổ ra rổ trăng phau, tròn trịa. Lá chuối chùi sạch, phơi nắng hoặc hơ lửa để bớt giòn rồi chất lên chiếu. Thêm một đóng lạt dẻo nằm bên. Cả nhà quây lại vừa gói bánh vừa bàn chuyện thằng này con kia sao không cưới nhau, chuyện nhà ông này mới tậu được cây mai oách lắm hay nhà kia mới bị tổ sư thằng nào trộm mất mấy con gà, quả là vô phước. Cứ lần lữa vậy đến khi tối hẳn mới hết đống nguyên liệu, bánh tét được chất đóng lên, màu xanh thẫm lá chuối cùng màu trắng nõn của lạt nom ưa nhìn lắm. Cuối cùng là chuẩn bị củi lửa và cái nồi to đùng, đổ nước ngập bánh rồi luộc. Ngồi gần đóng lửa vừa xuýt xoa cái rét của mùa, vừa trông nồi bánh chín và chờ đón giao thừa. Mình không ham bánh kẹo như tụi trong xóm nhưng cực thèm bánh tét dưa món, ăn hoài không ngấy. 

Tính đến giờ thì mình chưa bao giờ đi coi pháo bông đêm giao thừa. Nhà ở quê chẳng biết thú vui giới trẻ thành thị. Bình thường cũng ru rú trong nhà chứ không bao giờ đi chơi, không tiền mà cũng không dám. Cứ đến đêm 30 mình lại chạy quanh nhà ngó nghiêng, chán thì lăn ra ngủ đến chập sáng cúng xong mẹ gọi dậy, ăn mấy miếng có lệ rồi lại lăn đi ngủ đến trời sáng hẳn. Sau lớn hơn, Tết thì có chị đi học xa về quê, nằm làm ràm với chị rồi… lại ngủ. Hồi nhỏ chỉ thích Tết vì tiền mừng tuổi. Đếm từng ngày một chừng được trăm ngàn là hết sức, thỉnh thoảng được nhiều thì đem khè mấy đứa quanh xóm. Hết Tết thì đưa tiền cho mẹ và hoàn thành nhiệm vụ. 

Mình không ấn tượng gì nhiều với những cái Tết im lìm êm ả đó, cho đến lúc đủ lớn nhận ra cái khốn khó xung quanh mình thì Tết lại đi liền với những kỉ niệm buồn mãi không quên. Đến tận lúc xa nhà và quay lại, mình mới nhận ra rằng những giây phút giao mùa vốn chỉ là thời điểm sum họp quây quần của gia đình, nhưng rồi mình tìm hoài không thấy cái không khí đó nữa. 

Mình ở làng, lúc trước thì nó đúng là cái làng thật. Từ quốc lộ tách ra một lối nhỏ thành con đường rải tuyền sỏi đỏ, bên phải là con kênh dẫn từ nguồn xuống, đến ngang nhà mình thì chia nhánh mang nước tưới cả cánh đồng trong làng, bên trái là rặng tre suốt ngày gào rú lào xào, trải dài xuống tận cuối con đường. Nhà mọc lưa thưa cách nhau vài bụi cây rậm, càng vào sâu trong làng thì càng thưa. Lúc trước cảnh vật chất phác lắm, con kênh nước trong vắt chiều hè tụi trẻ ranh vẫn đua nhau tắm ào ạo. Mình thích nhất những ngày mưa bụi lờ nhờ cuối năm, chớm lạnh, nằm trong nhà nhìn ra cả cánh đồng mơn mởn mạ non và những đàn cò đi kiếm ăn bay trắng trời. Yên bình và thơ mộng, vậy mới gọi nó là cái làng thật. Về sau thì ai cũng giàu ra, đường đổ bê tông, con kênh không còn tắm được vì rác, tre cũng cụt ngủn gần hết đổi lại bằng cổng cao tường kín, đàn cò quên người bỏ đi đâu hết. Mình chẳng hiểu vì sao giàu, sau này mới biết. 

Đấy, rồi con người cũng khác đi, người ta không muốn làm nông dân nữa mà đổi sang làm bất động sản, nghĩa là thi nhau bán đất. Tiền rủng rỉnh ắt là giảm bớt trâu bớt ruộng, thích cà phê và nhậu hơn. Có đình đám thì phải nhậu, không có đám gì thì rủ nhau đi nhậu là có đám ngay. Chén chú chén anh rồi lôi chuyện chính trị văn hóa ra đàm đạo, xích mích thì anh chơi khô máu với chú, có lần vác rựa rượt nhau chạy quanh đồng. Được ít năm thì tiền sạch nhẵn, lại cắm đầu vào đít con trâu, nhưng quen thói tiêu tiền, đâm nợ nần, rồi lại khổ. 

Có cái thú tao nhã hơn là đánh bạc, đánh to lắm. Có anh trong làng nghe đâu đánh từ sòng này qua sòng kia, ăn lớn, lại đánh từ làng này qua làng kia. Từ đó đẻ ra cái nghề mới, nghề đánh bạc. Danh anh này lớn lắm, các chị trong làng bấm nhau bảo lấy về chắc sướng cả đời, chẳng phải lo ăn mặc. Độ cuối năm thì mình nghe anh bỏ xứ đi vì vỡ nợ. Rồi nghề buôn gỗ lậu. Ở quê gần cửa khẩu, buôn lậu là nghề ‘hót’ luôn chứ chẳng đùa. Trong làng anh nào đi buôn về giàu sụ, xây nhà to đùng, bà con kháo nhau bảo có cái tay làm ăn được. Sau này đi học, thỉnh thoảng nghe thời sự toàn thấy buôn gỗ lậu bị bắt ngay quê mình chứ đâu. Có ông gần trường cũ, bị bắt nên vỡ nợ, phá sản bán hết cả nhà, vợ con cũng bỏ đi. 

Tất thảy mình gọi chung là cách mạng, là đổi mới, là tân thời! Của đáng tội, nhờ cuộc tân thời ấy mà hồi mình lên cấp ba, cái làng mình được phong tặng danh hiệu khu phố văn hóa, kinh. Tự nhiên mình lại nghĩ đến công cuộc Âu hoá của cụ Vũ Trọng Phụng, quả là tân thời. 

Ấy là mình kể cái chuyện xóm trên, còn cái xóm của mình thì đúng là lạc hậu (họ gọi là xóm bộộng), mãi đến khi mình gần vô Nam học thì cái cuộc tân thời mới xảy ra. May thay, nhờ vậy mình còn được thấy cái Tết của làng những năm khi còn ở quê. 

Sáng 30. 
Ở xóm trên, tức là xóm tân thời ạ, thì gần như đã xong mọi khâu chuẩn bị đón Tết, còn cái xóm lạc hậu thì vẫn bận rộn lắm. Phiên chợ hãy còn thì tất bật lên mua ít bánh trái chưng dọn ngày xuân, áo giấy cúng ông bà và cả mấy bộ đồ mới nếu được giá phải chăng. Mấy đứa nhỏ như mình thường được giao nhiệm vụ thay lư hương và đánh chùi bộ lư đồng cho sáng bóng. Hồi nhà mình mới mua được bộ lư đồng mới cóng, cuối năm ba kêu đem ra chùi. Mình hì hục mãi không sạch, tự nhiên nghĩ lấy chanh vắt chùi cho nhanh sạch. Nó nhanh sạch thiệt, sáng hẳn ra nhưng rồi một thời gian sau lại nhanh dơ và bám bụi, đen kịt, nghe bảo là hư cái lớp tráng gì đó nên vậy. Năm sau lại lôi ra chùi, ông ba kêu kỳ, không biết sao chùi hoài mà cứ đen, mình im thít. 

Bàn thờ đã được dọn dẹp thật sạch sẽ tươm tất, chưng đủ loại hoa quả bánh trái, và hình như càng nhiều màu thì càng đẹp, tất nhiên phải có nải chuối tròn trịa. Giấy áo được xếp đều đặn quanh phòng thờ. Xong xuôi, mình thắp thêm hai cây đèn cầy ấm cúng cùng một cây đèn dầu để thắp hương, rồi mới được phép mời ông bà tổ tiên về đón Tết. Có nhà thì gỡ hết cửa ra chùi rửa, đánh bóng lại. Dọn cỏ dại quanh vườn và vun lại mấy hàng cây cảnh, mẹ mình hay gọi đùa là ‘cảnh’ cơn hàn. 

Chập tối, cái nắng nhàn nhạt của mùa lạnh đã mờ dần, sương mờ chùng chình vắt ngang cây xoan cằn cỗi đã rụng hết lá và đang ấp ủ những nụ mầm mới trước sân. Vài người bấy giờ mới rửa chân cho sạch bùn sau buổi đi dặm đồng, lùa hết trâu vào chuồng rồi đóng cửa, hối hả giục con cái tắm rửa cho sạch sẽ hẵng còn đón Tết. Lát sau, khói sau nhà mới bốc lên che kín cả mấy cây rơm, mùi quê nồng đượm bắt đầu lan tỏa khắp xóm như thường ngày, chỉ khác là trời lạnh hơn và có thêm chút gì tươi vui và háo hức. Có người vẫn còn chuẩn bị gánh hàng bán dạo hay ra chợ Tết, mong kiếm thêm chút tiền. Mẹ mình mấy năm trước vẫn còn ham bán bún mấy ngày này vì tiền lời nhiều hơn ngày thường, sau này mình cấm và mẹ cũng nghe theo. Cái gánh cuộc mưu sinh vẫn còn nặng hơn phút giao mùa, dù đâu đó người ta đã hăm hở chưng diện đón lộc đầu năm. 

Đêm 30. Nồi bánh tét đã chuẩn bị, chỉ chờ được ngâm trong nước sôi hàng giờ liền với một nhúm người ngồi bên cạnh, vừa xuýt xoa cái lạnh thở ra khói vừa kể chuyện cũ cho nhau nghe. Trời đen thăm thẳm xoè tay chẳng thấy ngón, mấy con gà còn lục cục rủ rỉ thì thầm điều gì, chưa biết rằng chúng nó sắp được lên mâm. Nhà mình không nấu bánh tét, chỉ nấu xôi chè chuẩn bị cúng đầu năm. Củi cháy ánh hồng táp lên mặt ran rát, mà lưng thì vẫn nghe gió lạnh lùa vào. Ếch nhái thỉnh thoảng cũng thi nhau rống lên từ ngoài ruộng theo gió vọng vào, gió heo may luồn trong mấy tán cây rú lên từng hồi, mang theo cái rét cắt da xẻ thịt. Trong nhà chỉ còn mỗi cái bếp là ấm nồng, không gian cả cái xóm lạc hậu cứ im lặng như vậy đến lúc giao thừa, còn mình thì đã ngon giấc lành từ lúc trước. 

Ở quê có tục cúng giao thừa ngay sau giao thừa, nghe pháo bông đùng đùng xong là bắt gà cắt tiết và soạn đồ cúng luôn. Nhà mình cũng vậy. Thường thì ông ba sẽ làm gà còn mẹ thì nấu xôi và chè. Mình thích ăn chè đậu xanh đãi vỏ nên mẹ thường nấu nhiều lắm. Nấu xong xuôi là phải vác cái bàn to đùng ra để giữa trời, bày hết đồ lên rồi khấn vái lầm rầm gì đó. Những năm không bị ngái ngủ thì mình luôn đứng hóng nghe coi lúc cúng mấy cụ nói cái gì và thường chẳng bao giờ nghe được. Có lần hỏi bà nội sao cứ nói lầm rầm thì bảo là nói vậy ông bà ngồi trên bàn thờ mới nghe được. Chắc vậy thật. 

Đợi hương tàn, mẹ đem con gà xé ra bóp muối tiêu chanh và nhúm rau thơm, ngất ngây. Ở xóm nghèo hình như cả năm chỉ có mỗi ngày Tết được ăn thịt gà, còn thì hoặc đem bán hoặc để dành chứ không dám ăn. Luần quần cho đến tận lúc được ăn thì cũng đã ba giờ sáng, mẹ lay gọi mình dậy đùa giao thừa rồi, ra coi pháo bông. Mình tưởng thiệt, bật tung khỏi mền chạy ra thì chưng hửng, ngồi xuống vừa ngáp vừa ăn mấy miếng cho có lệ rồi lại trùm mền ngủ vùi. Sau này mẹ bỏ, không cúng lúc nửa đêm nữa, đến sáng mới cúng để chị em mình được ăn ngon miệng. Bây giờ thịt gà không khó khăn nữa, nhưng ăn không thấy ngon bằng ngày đó. 

Vốn nhà mình không phải nhà bình thường nên không phải năm nào cũng êm ấm như vậy, nhất là những năm sau này khi mình lớn và chú ý xung quanh hơn. Đến cuối năm chỉ có mấy mẹ con ở nhà, soạn đồ cúng như mọi năm và ngồi quanh bếp chờ đón giao thừa. Đến chập khuya thì ông ba đi nhậu đâu mới về, chào hỏi bằng cái giọng lè nhè hăm dọa. Lúc soạn đồ ra cúng thì kiếm chuyện chửi bới, rồi đập tan hết cả cái bàn soạn, ném cả lư hương vỡ toang, cát mới thay trắng tinh nằm vương vãi giữa sân. Mấy mẹ con đứng khúm núm với nhau không dám nói gì. 

Chặp sau, ông ba lại tự soạn ít đồ còn lại đặt lên. Đứng vừa liệng khiệng vừa khấn, nghe loáng thoáng khấn cho năm mới tai nạn chết người gì đó. Mấy cây nhang nghi ngút khói, hai cây đèn cầy lúc tắt lúc đỏ trước cơn gió lạnh mùa đông sót lại. Mẹ con mình đứng nép vào góc nhà không dám hó hé, đợi ông ba chửi chán rồi mở nhạc ầm ầm đi ngủ. Mẹ mình lại thu dọn, vừa dọn vừa run run khóc mệnh khổ. Hai chị em ôm nhau im thít. Những ngày sau đó lại thật buồn, nhà cửa vắng tanh, có ai đến thăm lại vui ra mặt xong lại buồn hiu ngay. 

Những năm chị đi học xa nhà, cuối năm cũng về quê thăm nhà, mẹ dặn ông ba cuối năm cuối tháng con cái đi xa về, đừng nhậu nhẹt để được êm ấm ba bữa Tết. Nói vậy chứ năm được năm không, chị vẫn khóc hoài, mẹ vẫn khóc hoài. Dịp giao thừa là ngày đoàn viên, chỉ là với nhà mình thì điều này có vẻ hơi xa xỉ. Từ dạo đó, mỗi lần Tết đến thì chỉ mong ông ba không đi đâu trong cái chiều cuối năm, mong trong nhà được im ắng cho đến hết mấy ngày Tết là mừng rồi, mẹ nói vậy. 

Sáng đầu năm. 
Gà vẫn gáy như thường lệ và cái rét đầu năm vẫn thấm đẫm khắp thôn. Mình lồm cồm bò ra khỏi giường, vệ sinh xong lại được ăn món Tết, tức là lại thịt gà bóp muối tiêu và nhúm rau thơm tối qua còn lại. Xong mới nhảy qua mâm bánh kẹo. Cuối cùng mới ngóc đầu ra cửa chờ người đi chúc Tết lì xì. Tết nói chung đồ ăn luôn nhiều hơn bình thường và thế nào cũng sẽ thừa. Mình sợ nhất cái món măng khô hầm giò heo, ăn được độ hai bữa là ngán gần chết, tuy vậy nhưng cái nồi to đùng như niêu cơm Thạch Sanh cứ hâm đi hâm lại ăn đến rợn tóc gáy vẫn chưa hết. Đồ ăn hoài không hết cuối cùng lại thành cơm Tết của mấy con heo. Chỉ có bánh tét dưa món là mình ăn đến tận mồng 10 vẫn chưa ngán. 

Nhà mình chả bao giờ có nổi cây mai, mà cũng chẳng có cây gì. Cái xóm vài chục hộ thì may ra được dăm ba cây mai, cây nào cây nấy èo uột nhìn đến thảm. Nói chung chán. Nhưng xóm tân thời thì khác, phải mua được cây mai dù có phải đi vay tiền. Ở nhà chỉ có đứng chờ tiền lì xì chứ không còn thú vui gì hơn. Vả, tiền lì xì ở quê không như ở thành phố, không có phong bao, cũng không có tiền mới, có khi là mấy tờ tiền nhàu nhỉ nát bét. Tiền thì vừa ít vừa cũ chứ mà chúc thì ôi thôi đem viết được cả bài điếu văn chứ chẳng chơi. Có khi đứng nghe chúc đến mức muốn ngái ngủ. Sau này mỗi lần thấy ông bác nào đứng khúm núm, móc ra tờ tiền nhàu đứng chúc Tết đứa nhỏ cả buổi trời, mình lại mỉm cười nhớ ngày cũ. 

Sau bữa ăn no nê, bắt đầu nhào ra đường làng. Con đường vốn đầy lá khô, bùn và phân trâu giờ lại được mùa xuân gột rửa đi sạch trông thấy. Sỏi đỏ tươi hơn và thơm thơm mùi nắng mới. Người ta đi lại thăm viếng nhau nom tấp nập. Mấy cụ già móm mém lưng gù, quàng khăn quạ kín đầu cùng mấy lớp áo dày cộm che bớt cái rét, đi lãi rãi từng bước một y hệt một bộ phim quay chậm. Mấy cụ sống được lâu thì mừng, con cháu cũng mừng, chứ năm nào đến mùa lạnh trong làng cũng rụng bớt vài cụ. Phải có phúc lắm mới đón Tết cùng con cháu được, ai cũng khen vậy còn gì. 

Mấy chú mấy bác lại diện lên bộ đồ tươi nhất năm. Có bác kiếm đâu được cái áo vét cũ rích khoác lên ra chiều hãnh diện. Tay châm điếu thuốc, miệng nhai trầu bóp bép, khệnh khạng đi chúc Tết. Thỉnh thoảng đưa tay vuốt bọt trầu quanh mồm rồi nhổ toẹt, rít hơi thuốc phà khói ra, giọng lè nhè hơi men bảo 'ngó xóm này ăn tết cũng được, thiếu mỗi mấy cây mai thì cũng ngang nhà mình'. Vừa nói vừa vênh mặt lên chẳng khéo đạp ngay bãi phân trâu còn tươi, mùi bốc lên nồng lắm, bọn trẻ bấm nhau cười rinh rích. 

Mấy cô già trẻ gì cũng ráng diện lên chút áo quần gọn gàng, thêm đôi giày cao gót và chiếc khăn len đặng hợp mốt thành thị. Có chị đi giày cao gót không quen xiềng qua xiềng lại, xui gặp phải đoạn ổ gà thì đứng nhìn lăm lăm toát mồ hôi. Mấy cô có chồng gặp nhau lại tay bắt mặt mừng chào hỏi như xa nhau mấy chục năm mới gặp lại, dù hôm qua mới rủ nhau đi dặm lúa chứ đâu. 

Bọn bạn mình, tức là lũ trẻ ranh trong xóm, diện mấy bộ đồ mới mua từ chợ, chải chuốt tóc tai sạch sẽ hơn hẳn thường ngày. Hơn thường ngày thôi, có đứa mặt vẫn lem luốc như ăn vụng và tóc xù dựng lên. Mình hỏi Tết mày không chải tóc hả? Nó cười toe đưa lên vuốt ngược tóc ra sau bảo chả cần, phơi nắng suốt có chải cũng không giữ nếp được. Có những đứa chơi lầy lúc nào cũng lăm le mấy nhúm thuốc súng hay pháo trong quần. Thỉnh thoảng chúng nó lôi ra quấn giấy kẽm, đốt lên bay xèo rồi nổ đoàng đoàng làm mấy cụ trên đường giật nảy mình, quay phắt lại chửi tổ cha con nhà ai nghịch ngợm. Chúng nó vừa cười toang thích chí vừa co đít chạy mất dạng. Vui kinh. 

Tết thì phải chơi đánh bài, nhưng đơn vị tiền tệ thì thay đổi theo mùa và không mấy khi là dùng tiền thiệt. Khi thì mùa chơi bi, chơi ảnh siêu nhân, hoặc có khi chơi toàn mấy thứ rác như vỏ kẹo hoặc giấy kiếng gói bánh đậu xanh. Mình nhớ nhất cái mùa chơi vỏ kẹo, đích thực lấy rác làm tiền, bọn con nít tí tuổi đã biết bảo vệ môi trường, xóm mình văn hóa thế chứ lị! Đã lấy vỏ kẹo làm tiền thì ăn kẹo phải khéo, giữ cho cái vỏ nó được nguyên vẹn không bị rách xước chút nào, đâm ra ăn uống phải từ tốn lắm. Đứt mất cái vỏ kẹo thì tiếc đứt cả đoạn ruột. Có dạo đánh bài ăn vỏ kẹo mà cãi nhau chí chóe, mặt đứa nào đứa nấy đỏ phừng phừng, xích mích mà không giải quyết được lao vào đánh nhau ầm ầm. Thế là các bác phụ huynh phải vào cuộc phân giải vụ án vỏ kẹo he he. 

Ở quê mình Tết qua rất vội. Họa chăng còn lại là một ít hạt dưa, ít bánh kẹo đã chảy nước, tụi trẻ con để dành ăn suốt mấy tháng, và mấy con heo được thêm vài bữa ra trò. Sáng sớm hôm sau, mấy cụ già lại ngồi trong nhà nhai trầu ngó ra đường, thỉnh thoảng cười chào hàng xóm đi ngang. Mấy chú mấy bác lại thay bộ độ nâu lấm bùn vác cuốc ra đồng. Mấy cô lại buôn bán, lại bếp núc và lại ra đồng. Bọn trẻ lại đến trường buổi sáng hay buổi chiều, nửa buổi còn lại hoặc đi lượm ốc hoặc đi chăn vịt như mình. Mồ hôi lại túa ra đổi lấy đồng tiền hạt lúa. 

Ngày mình xách gói đi thi đại học, ba mẹ li dị và mẹ con mình vô Nam ở nhà nhà cậu trong lúc mình chuẩn bị thi. Những ngày này vừa mừng vừa lo. Đưa mẹ tránh xa được cái nhà không giống nhà đó cũng là giải thoát, nhưng rồi điều gì đang ở trước mắt thì chưa biết. Tâm trạng mình dở dở ương ương cũng không tập trung học hành gì nhiều, rồi đến ngày đi thi lại cuống lên. Thi kiểu gì chẳng may đậu, mình lên Saigon thuê phòng trọ học, nhủ lòng từ giờ bắt đầu cố tập sống tự lập không xin tiền nhà. Mẹ và chị cũng thuê một phòng trọ nhỏ ở Biên Hòa. Sau này nghĩ lại thời điểm đó, mình gọi hoa mỹ là một cuộc đổi đời. 

Hết nửa năm đầu, mình mua vé về quê ăn Tết một mình. Ngày về vẫn thấy lòng chênh vênh lắm, một nửa mong chờ một nửa mệt mỏi, không biết đối mặt với những người xưa cũ kiểu gì. Nửa năm làm mình đổi khác đi nhiều, bớt nhút nhát co rụt mình nhưng lại thêm phần thờ ơ với mọi chuyện. Bạn bè còn chẳng mấy đứa biết chuyện trong nhà, mình cũng không định kể cho ai. 

Về ở nhà dì, mượn chiếc xe phi qua nhà nội. Dọc đường vẫn cảm giác vừa lạ vừa quen, mọi thứ đã đổi khác đi . Có lần chạy qua đường thành phố (trước đó là thị xã, sau mới lên thành phố mà mình quen gọi là thành phố buôn gỗ hehe), khúc ngã tư đèn đỏ thì mình dừng lại. Có cô em tân thời phía sau mắt xanh môi đỏ, bóp còi inh ỏi, mình chưa hiểu chuyện gì thì em ý đã vọt lên vượt đèn đỏ vụt thẳng, ngoảnh lại kêu đồ nhà quê. Ờ mình ở làng thì chắc đúng nhà quê thật nên chẳng chạnh lòng tẹo nào, cũng kịp nhìn lại em ý có đầu tóc vàng hoe, quần ngắn cũn mà mặc áo len dày cui. Mình thở dài kêu khổ thân, nắng cháy cả tóc, nhà nghèo lại thiếu cả vải may quần, ăn uống chắc cũng thiếu nên nói năng nghe khắm thế. Bởi vậy sau này bạn bè hỏi han quê mình, mình cười he he bảo ngoài cái xóm lạc hậu thiếu ăn của tao thì những chổ khác vẫn còn ‘khổ ' lắm! 

Xuôi theo con đường làng, dòng nước xanh thẫm của con kênh vẫn như ngày nào, có phần sạch và trong vì mới qua mùa lụt năm rồi. Cả con đường đã trãi qua tân hóa từ lâu, tức là đổ bê tông rộng thênh thang, nhưng vẫn la liệt phân trâu và những vũng nước đầy bùn, lạ là bây giờ mình lại thích cái mùi khắm khắm này. Tre đã thưa lắm rồi, còn vài cộc già nua nghiêng ngã như mấy cụ già thế hệ cũ còn sót lại để chứng kiến cuộc tân thời trớ trêu. May trời vừa đến mùa xuân, không còn cái vẻ nứt nẻ vàng khè của gió lào, cũng đã bớt đi những cơn mưa rào mùa lụt tháng 8, nhìn khéo khéo thì cây cối đã bắt đầu khẽ đâm những chồi non cho mùa mới. 

Nắng vàng hanh hao và những cơn gió khô khốc đẹp lạnh người lùa mình về quê cũ tươi đẹp. Chỉ tội là con người vẫn đậm nét khắc khổ, mấy cô gái làng năm nào giờ nom khổ đi nhiều, bởi tóc cũng bị nắng cháy vàng hết cả. Mình hơi bất ngờ vì cái cuộc tân hóa đã len lỏi xuống tận cái xóm thiếu ăn lạc hậu mất rồi. May mình đã đi, ở lại khéo có khi tay đã phì phèo điếu thuốc, tóc chải láng cóng vuốt ngược ra sau, kệch cỡm diện thêm cái quần jean ống loe với đôi dép lào khệnh khạng đi trêu mấy chị em tóc cháy nắng. Chết thật, may mà đã làm người tha hương. 

Có hôm gặp con bé kề xóm, mình hỏi sao dạo này quê mình nắng ghê thế, tóc đứa nào cũng cháy vàng hết cả. Em nó cười tít mắt bảo mày quê thế, nhuộm tóc đúng mốt Saigon đấy. Mình kêu kinh thật, tao ở trong đó thiệt thấy chẳng mốt bằng quê mình. 

Tuy có hơi lạ nhưng người ta vẫn ăn Tết như xưa, bà con chòm xóm vẫn xuề xòa như cũ và vẫn đậm tình với người xa xứ. Mình vẫn đi dọc con đường làng về tận cuối xóm, nơi những rặng tre đã ngưng hẳn để còn lại một dãi ngút ngàn những ruộng lúa mới gieo còn xanh mướt mạ non, nơi đó thỉnh thoảng còn có những cánh cò kiếm ăn, những tiếng rú chim quốc, vài bóng người đi thăm đồng sớm đầu năm. Và mình còn lưu luyến những buổi chiều hè mắc võng nằm đếm lá tre rụng cùng lũ trẻ ranh đang nướng ốc bên cạnh, mùi ốc còn bây giờ vẫn còn thơm lắm... 

Năm 3 đại học. 
Những ngày gần được nghỉ Tết lại bắt đầu nao nao cơn thèm ngủ và thèm bánh tét. Buổi chiều đi học về thì ở quê gọi báo ông nội bệnh nặng, mình ừ. Mấy năm lại đây cứ lâu lâu lại báo ông bệnh, nằm liệt. Trời lạnh quá mà tuổi cũng nhiều quá rồi. Mình tranh thủ đi mua vé về quê. Hai ngày sau thì được tin ông mất rồi, vừa đem ông từ ngoài nhà riêng vào nhà mình, nằm đến xế chiều thì ông đi. Ông đi im lặng, cô kia ghé về thăm mới biết. May cũng thi xong môn cuối rồi, mình chạy đi đổi vé rồi về luôn. 

Dọc đường về mình không còn hào hứng như năm đầu nữa, cũng không buồn nhiều. Ở cái tuổi của ông thì nhắm mắt cũng được rồi, mình nghĩ vậy. Hồi còn sống ông khỏe lắm. Uống rượu còn nhiều hơn uống nước, ông là người uống rượu khủng khiếp nhất mình biết. Cứ hễ ai về thăm ông tặng của ngon vật lạ gì cũng không thiết mấy, nhưng mà tặng chai rượu hay mấy lon bia thì hớn hở ra mặt. Lại còn cả thuốc lá. Mấy ông bà thời xưa không hút thuốc đầu lọc mà toàn chơi thuốc rê, hỏi thì bảo là thơm hơn. Mà đúng là thơm thật, hễ cụ nào hút thuốc rê thì đứng cách năm ba mét đã nghe mùi ‘thơm’ chả lạc đi đâu được. Bên nhà hồi đó tự nhiên mọc lên mấy cây thuốc lá, vậy là đợi nó lớn đến lúc cái lá to bằng cái mẹt thì ông đem bứt, phơi nắng cho héo queo. Xong rồi cuộn tròn, cắt nhỏ thành sợi như thuốc lào. Ông còn tự chế ra cái đồ để cắt thuốc cho mịn. Còn không trồng được cây thuốc thì bà phải mua lá thuốc khô có sẵn cho ông. Chẳng ngày nào bỏ được. 

Hút thuốc uống rượu ào ào mấy chục năm vậy mà thấy ông khỏe lắm. Năm bảy chục tuổi còn lội ào ạo trên con kênh ngập nửa người, chặt phăng mấy cây cừa to đùng của nhà mình nằm bắc ngang kênh. Lúc tám chục tuổi vẫn còn vác cuốc làm ruộng, chặt tre đan rổ rá ngon lành. Mấy người nhìn vậy bảo chắc nhờ uống rượu, khí huyết lưu thông mới khỏe vậy. Mình trộm nghĩ chắc vậy thật. 

Mãi nghĩ miên man rồi cũng xuống xe, mình lại về ở nhà dì. Trời quá trưa, nắng xuyên qua những kẽ lá rọi vào phòng vàng ối. Mẹ và chị về quê sau mình, đến chiều mới tới. Rồi mấy mẹ con về nhà nội. Dọc đường mấy mẹ con im lặng, không nói năng gì. Trời cuối mùa không lạnh lắm, chỉ có vài đợt gió heo may luồn qua làm nứt môi, mặt trắng bạc ra như thiếu máu. Thỉnh thoảng mẹ nhắc che cổ lại tránh gió. 

Đến nhà. Màu khăn tang trắng khắp nơi, thấy lành lạnh. Mấy mẹ con quấn khăn vành sô rồi thắp hương cho ông. Mình nhìn quanh thấy con cháu cũng đủ cả, bà con chòm xóm cũng đủ cả, mấy cụ già độ tuổi ông cũng lại chơi, vậy chắc ông cũng vui rồi nếu ông còn thấy. Mấy bà ngồi gần thấy mẹ con mình lại xuýt xoa tội nghiệp, mấy đứa nó không được nhìn mặt ông lần cuối. Xong lại kéo mẹ mình lại gần bảo vào khóc ông mấy tiếng cho ông ấm lòng. Thế là mẹ mình vào khóc thật, chẳng biết ông có ấm lòng không. 

Mẹ kể hồi còn sống mẹ chở ông đi cắt tóc, giặt áo quần cho ông, ông bà bệnh cũng chỉ có mẹ nấu cơm cho, đôi dép hư cũng mẹ mua mới, cuối năm cũng chỉ thấy mẹ sắm cho bộ đồ mới. Nói chung thì mẹ lo cho ông bà khéo hơn con ruột. Mẹ nói không thương cũng phải tròn đạo làm dâu. Nhưng lúc chết thì mẹ gào không to bằng con ruột. Có cô vào nhà, nhào đến bám lấy cào cấu cái quan tài mà gào rằng, ông ơi là ông, sao ông đi sớm để lại con bơ vơ một mình, con chưa báo hiếu được gì cho ông ông bỏ con đi… Mình đứng kêu nỡm, cả năm chả thấy lú mặt về thăm ông bao giờ. Tất nhiên nói thầm thôi chứ nói to chắc bị chửi rách cả mặt. Có cô đang gào thì bỗng im bặt, ngồi sững ra một hồi mới đứng lên đi ra sau nhà, kêu mấy đứa nhỏ lấy cho miếng chanh muối ngậm đã rát cổ, đặng còn gào tiếp. Ở quê vậy, sống thì cực khổ cũng nhìn trước ngó sau để tránh đàm tếu, chết thì đám tang phải có người gào khóc mới ấm cúng. Phải thuê trống kèn, làm vài món đãi các cụ, các bô lão, các trưởng họ và bà con hàng xóm đến thăm đám. Không trách ai được. 

Đến hôm đưa ông lên huyệt, mình cũng ngồi xe tang. Lần thứ hai mình ngồi xe tang, lần trước là tang của cô cả. Lúc đó thì mình thấy buồn hơn bây giờ, có lẽ vì cô đi sớm hơn ông rất nhiều. Chiều đó đang ngồi coi mẹ nấu cơm thì có người báo cô đang được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì tai nạn. Chưa kịp hoàn hồn thì lại có người báo cô đang được đưa về nhà, đi rồi. Kiếp người đến đi đột ngột như vậy. Mình nhớ lúc sau đi coi thầy, thầy phán số cô đáng ra chết trẻ hơn nhưng vì trời cho sống đến hơn ngũ tuần đặng nuôi con, con lớn rồi thì phải đi. Thôi thì cũng có cái cớ để mà an ủi. 

Họ nhà mình nhỏ nhưng vẫn có một khu mộ riêng nom cũng khang trang, mình cho đây là thành tích lớn nhất trong cuộc đời của ông ba mình. Ở quê, thời xưa dân làng quanh năm chỉ bám với đồng ruộng, cả đời không ló mặt ra khỏi bụi tre, chết đi lại chỉ muốn gần con cháu, nên hễ chết là chôn quanh nhà quanh xóm. Đến thời của mình vẫn thấy đầy những mộ nằm rải rác giữa đồng, mộ hoang có mà lăng miếu cũng có. Chiều chiều mình vẫn đi lang thang qua đó nhặt cỏ gà chơi với bọn trẻ trong làng. Sau này được số hay sao mà sinh đẻ nhiều quá, không đủ đất mới đẩy lên một khu đồi, rồi khu này bị quy hoạch lại phải dời qua khu khác, nhờ tiền đền bù mà mới xây được cái khu mộ cho cả họ. Lúc mới xây còn hai chổ trống cho ông bà, chứ cô mình thì phải ở chổ khác. Hồi mới lên đó mình tò mò lúc mình chết thì nằm ở đâu, giờ nghĩ chắc thiêu cho gọn. 

Hôm đó trời nắng hườm, đẹp. Chỉ tội con đường đất bùn lầy, gặp phải mưa dầm mấy hôm trước lại trở nên lầy lội, ướt nhẹp. Xe xốc lên xốc xuống, mấy cô lại gào lên số ông khổ đến chết còn khổ. Đến khu mộ, cúng kiếng một hồi rồi quan tài được hạ xuống. Con cháu xúm lại, mỗi người mỗi nắm đất ném xuống như tiễn ông đoạn đường cuối. Thỉnh thoảng lại có cô rú lên ông ơi con thương ông quá, mấy bác chủ tang lại phải kéo lui chửi cho một trận vì lộn xộn, thế là im ngay. Xong xuôi cả bầu đoàn lại lục tục kéo nhau về. Mình đứng ở đây một hồi, nhìn sang những thửa đồi phía xa, có một rừng thông bạt ngàn xanh thẫm và hoang vu. Trời đã xế trưa, nắng phai dần. Những đám mây bàng bạc lơ lững như hư vô, lẫn trong từng đợt gió lạnh tốc lên màu áo tang. 

Ghé sang bên cạnh một đoạn thắp hương lên mộ cô. Đất sỏi rải lên mộ đã đẹn chặt lại sau những cơn mưa dầm. Đoạn đồi chênh dốc xuống, gió thật lạnh. Khói hương bốc lên nghi ngút làm mắt cay xè. Trời tự nhiên lại đổ âm u và những làn mưa bụi lại lất phất vào mặt, không gian héo đi một màu xám. Mình leo lên xe chạy về nhà, con đường đồi đất bùn nhão nhoẹt, lồi lên lõm xuống cũng nhọc nhằn. Ngày Tết đã chầm chậm về đến nơi, dọc đường đã thấy người ta đi đón mai đào ấp nụ về nhà. Rồi năm mới lại bắt đầu, đời người lại thêm mới và ai rồi cũng sẽ quên đi những người xưa cũ. Mình vẫn tiếc cô chết trẻ, ông thì chắc đi cũng nhẹ nhàng. Thôi vậy, đường trần gian ngắn dài mỗi người ai biết, sống làm sao đến lúc vô hòm không còn vướng bận điều gì, là được rồi. 

​Vậy ra mình cũng đã lớn. Mỗi dịp Tết qua đi lại mang một cái vị thật riêng, dù rằng phần lớn là vị hơi khắm. Năm nay không biết ăn trúng gì mà tự nhiên không muốn về quê, ở lại đây tìm chút mùi lạ. Ở lại Saigon ít ngày rồi về nhà với mẹ, mình định bụng vậy. 

Sáng sớm trời Saigon trở lạnh. Không bằng cái rét căm căm ở quê nhà nhưng đủ để khoác thêm lớp áo. Nắng vàng hanh hao nom tươi hơn. Những chiếc lá héo úa của năm trước thả mình xuống đường, đập vào nhau xào xạc theo cơn gió. Mấy cô lao công vội quét dọn, con đường dường như rộng ra và sạch sẽ trông thấy. Saigon vốn tấp nập và bụi bặm, ngày giáp Tết lại càng thêm đông vui. Người gốc thành phố, người ở lại như mình và cả người chưa về, tràn ra phố những ngày cuối năm để mua sắm. Cửa hàng dọc hai bên đường treo đầy biển giảm giá khuyến mãi, chào đón người đi lại. 

Xuôi về khu chợ, vẫn cái mùi chợ trời quen thuộc khiến mình khụt khịt mũi. Cảnh người người đi sắm Tết vẫn còn tấp nập. Mấy gánh hàng hoa là xôm tụ nhất, người bán người mua kì kèo mặc cả. Tết là dịp tốt để bán buôn, cũng tiện kiếm thêm ít tiền tiêu đầu năm. Nhà nào cũng lật lật ngó nghiêng hòng kiếm cho được chậu hoa ưng ý. Thỉnh thoảng có mấy cô tranh nhau mua hàng, xích mích lại sủa um lên. Bà bán bánh mì bắc ghế đẩu ngồi rung đùi bảo dạo này ở chợ nghe chửi nhau vui tai hẳn lên, không buồn như trước. Mình đứng cười, mua ổ bánh mì nhai ngấu nghiến, rồi đi bộ loanh quanh. 

Rải từng bước trên đường, mình bâng khuâng ngắm lại những phố phường vốn ngày nào cũng đi qua mà chẳng thấy gì. Vài người không nhà ngủ ven đường mới vừa lục tục dậy, kéo lại mảnh áo rách bươm che lấy thân mình, vẫn không trốn được cái lạnh. Không ai biết họ từ đâu đến, nhưng họ đã ở đó thật lâu. Mượn chiếc ghế đá làm giường, trời làm chăn rồi ngày ngày họ ở đó ngửa tay xin tình người. Mà buổi này, tình người không đủ dùng thì mấy ai lại đem cho. 

Bà cụ với mẹt hàng tạp vẫn lúm khúm ở góc đường từ sớm, như mọi ngày. Mình ghé lại mua một thỏi kẹo gum, bà móm mém cảm ơn, mình cười. Bà già lắm rồi, tóc bạc hết đầu, sáng sớm vẫn dọn hàng ra ngồi đến xế chiều thì xếp đồ đi bộ về. Không thấy con cháu đi cùng bao giờ. Mé bên kia là bác bơm xe, mình hay gọi vậy. Bác này không bao giờ mặc áo, người đen nhẻm và chỉ ngồi trên ghế đẩu rít thuốc chờ người ghé lại. 

Saigon phóng khoáng, ai cũng nói vậy, nhưng vẫn quá xô bồ. Người phú quý thì nhiều, kẻ nghèo khó cũng lắm. Tiếng đô thị dễ kiếm sống, chẳng vậy mà người ở quê cứ bỏ ruộng bỏ trâu lên thành phố kiếm tiền. Được vài năm mới hiểu kiếm tiền ở đâu cũng khó, xài thì dễ, vậy mới phải chui rúc trong những khu ổ chuột vẻn vẹn vài mét vuông, ăn dĩa cơm nghẹn ứ họng, rồi lại lao vào cuộc mưu sinh. Dành dụm được ít tiền gửi về quê cho gia đình đỡ khốn, bảo ở đây bận việc năm nay không về được. 

Mình đi vội về nhà, dọn dẹp lại căn phòng và xách xe lao ra đường. Thỉnh thoảng có những chậu mai đầy nụ được chất lên xe hơi đưa về nhà. Các bà nội trợ lại tậu được món hời đầy hớn hở. Những cặp đôi dìu dắt nhau đi sắm Tết cười thật tươi ghé qua từng cửa hiệu. Những người không nhà vẫn ngồi bên bờ cầu nhìn người qua lại chờ tình người. Bà cụ với mâm hàng vẫn khúm núm ở góc đường. Ông bơm xe vẫn ngồi rít thuốc, ở trần giữa trời lạnh ngửa đầu nhìn ngẩn ngơ. 

Nắng vẫn sạch và thơm mùi buổi sớm. Mình rồ xe lao về nhà, để lại những phù hoa trôi nổi lúc nhúc đằng sau. 

- Hết - 
Bính Thân 2016 

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tự thuật

1993-2010: tuổi thơ dữ dội 1993: được ba mẹ đẻ ra đời 1998: leo cửa sổ té bị đinh đâm xuyên mép miệng, vẫn còn vết sẹo kỷ niệm 1999: đi học a bờ cờ ở trường làng, bị cô gõ đầu vì học ngày càng ngu 2000: lần đầu được lên hồ bơi, lộn qua hồ bơi người lớn suýt chết đuối, tới giờ vẫn không biết bơi 2001: lỡ tay ném đá trúng đầu bạn chảy máu thành dòng, bị cô cho một cái bợp tay, quất 5 roi, bắt quỳ 2003: đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh được giải Nhì, chị nói nhục 2004: đậu thủ khoa vô cấp 2, quyết tâm thành con ngoan trò giỏi 2006: ba ném cho cái ghế trúng đầu suýt mù, dắt mẹ chạy 2007: lại đi thi 3 môn, lại giải Nhì nhưng lần này không có ai giải Nhất 2008: đậu thủ khoa vô cấp 3 kèm lớp chuyên Lý, tự gom tiền mua cái máy vi tính tập đánh máy 2010: đi thi quốc gia cùng đàn anh mà vô tình được giải, thầy tưởng học giỏi 2011: khóc cười - tiếp tục bị gọi đi thi dù hết thích nhưng vô tình lại được giải Nhì, được miễn thi tốt nghiệp - ngồi viết đơn li dị cho ba mẹ, dắt mẹ vô Nam 2011-13-15: vô tr...

Cứ bình thường thôi?

Chiều tắt. Phía xa xa thành phố, những vệt cuối cùng loé lên sau cục mây đang ngượng ngùng ửng hồng. Con đường đen sẫm bỗng như dài ra hun hút trong gió chiều, thỉnh thoảng lại dấy lên những làn sóng đong đưa của hàng cây đứng đều tăm tắp, cùng một đoạn nhạc du dương văng vẳng.. lòng mình tự nhiên dịu đi không ít. Nhìn vạt nắng như nan quạt, mình trộm nhớ lại ngày nhỏ còn đứa cuốn chiếu, đứa ôm bóng, dắt nhau ra bãi cỏ nhỏ lọt thỏm trong lòng ngôi làng, để nằm đợi những vệt nắng hồng đầu tiên đâm lên từ hàng bạch đàn núp cuối cánh đồng. Ở đó, cơn gió buổi sớm còn mang theo hơi sương lành lạnh, mơn man vuốt ve khuôn mặt những đứa nhỏ lem luốc, vỗ về những ngày tháng êm đềm không dài, không ngắn. Cái đoạn này, nhạc vang lên: Nụ cười về trên nét môi, hạnh phúc tôi, một góc trời Rồi lớn rồi đi học rồi đi làm. Thời gian thoăn thoắt trôi đi, cuốn theo con người lao vào những mối lo ở đời để lâu lâu, nhìn lại, ngờ ngợ thấy rằng mình đã lớn chưa. Ở tuổi nửa già nửa trẻ, không phải quá long bon...

Hoa Mộc Lan

Viết tặng một người, đủ mạnh mẽ, đủ dịu dàng.  1.  29 Tết. Những ngày cuối năm đường vẫn đông, nắng lác đác mùi hanh hao, thỉnh thoảng lại tắt biến đâu mất sau mấy cục mây. Mấy ngày này cứ tưởng Saigon cũng có mùa thu. Trong ký ức của mình, mùa này ở quê là mùa của khô môi, của bầu trời xam xám, của những đốm trắng hoa sầu đâu lắc lư theo gió. Mình rất thích những ngày gần Tết ở làng, hớn hở chờ được nghỉ học, mong chờ những ngày vui hiếm hoi của năm. Khi những ông bà cụ ngồi mong chờ con cháu về, chắp tay đi quanh nhà, chốc chốc dừng lại nhìn ra ngõ. Những cô chú cũng bắt đầu bớt việc đồng, dành thời gian vun vén nhà cửa. Tụi con nít háo hức chờ quà anh chị đi xa đem về, chờ hàng quà ngày tết. Chợ quê tấp nập, thêm nhiều hoa trái. Người dân làng thường hỏi thăm nhau đã chuẩn bị được gì, kể nhau nghe những nỗi lo trước ngày đón năm mới.  Mùi ở quê thích hơn nhiều so với mùi khói bụi thị thành. Mình thường đạp xe vi vu những trưa đi học về, khi những ngày hiếm hoi trời đã ...